Nghiên cứu bổ sung tiêu chí sự gương mẫu của người thân để lấy phiếu tín nhiệm

NDO - Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội sẽ nghiên cứu bổ sung thêm các tiêu chí về căn cứ để đánh giá tín nhiệm, như sự gương mẫu của người thân hay gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để bổ sung vào các căn cứ, tiêu chí đánh giá tín nhiệm.
0:00 / 0:00
0:00

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 9/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Bảo đảm công khai, minh bạch trong lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là một trong những hoạt động giám sát rất quan trọng của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đối với các chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, là phương thức định kỳ để đánh giá cán bộ, để cán bộ tự soi, tự sửa, tự hoàn thiện mình, cố gắng phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn mà Đảng, Quốc hội và Hội đồng nhân dân giao.

Nghiên cứu bổ sung tiêu chí sự gương mẫu của người thân để lấy phiếu tín nhiệm ảnh 1

Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đây cũng là hoạt động nhận được nhiều sự quan tâm, theo dõi của cử tri và nhân dân cả nước.

Do đó, việc xây dựng dự thảo nghị quyết cần được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, công phu, thấu đáo, bảo đảm đúng quy định, rõ ràng, hợp lý, khoa học, đúng tinh thần quy định của Đảng và phù hợp với quy định pháp luật của nhà nước.

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, từ Quốc hội khóa XIII đến nay, các lần lấy phiếu trước đây vào các năm 2013, 2014 và 2018 đã được triển khai thực hiện bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch và đã khẳng định mục đích của việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với hoạt động giám sát của Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân, góp phần quan trọng trong việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, cũng như đề cao trách nhiệm, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả và tinh thần trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Đánh giá cao ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội góp ý vào dự thảo nghị quyết, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Theo đó, để phân biệt giữa lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm một cách rõ ràng hơn, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội để làm rõ hơn mức độ và nội hàm của việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm; về mặt bản chất, bỏ phiếu tín nhiệm là hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm.

Nghiên cứu bổ sung tiêu chí sự gương mẫu của người thân để lấy phiếu tín nhiệm ảnh 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận ở hội trường chiều 9/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Qua 3 phần lấy phiếu đã cho thấy tính hợp lý, trọng tâm, trọng điểm của những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trong bộ máy nhà nước.

Việc quy định đối tượng lấy phiếu tín nhiệm trong dự thảo nghị quyết có sự kế thừa từ Nghị quyết số 35, 85 và đã ổn định từ đó đến nay và đã cho thấy rằng các đối tượng như vậy là phù hợp.

Các đối tượng được quy định trong nghị quyết đã bảo đảm tính kế thừa và chỉ bổ sung, điều chỉnh một số đối tượng cho phù hợp với quy định mới tại Quy định số 96 và phù hợp với pháp luật và thực tiễn.

Về các căn cứ và nguyên tắc, đặc biệt là nguyên tắc công khai, minh bạch từ khâu lấy phiếu cho đến bỏ phiếu, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu để bổ sung cho đầy đủ, đồng thời nhấn mạnh về mặt nguyên tắc, cả lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm phải công khai, minh bạch và được báo cáo công khai trước kỳ họp khi lấy phiếu tín nhiệm.

Về các căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm, so với Nghị quyết số 85, dự thảo nghị quyết đã bám sát Quy định số 96 và Luật Cán bộ, công chức để bổ sung các tiêu chí đánh giá mức độ tín nhiệm, trong đó có trách nhiệm triển khai nghị quyết, kết luận về công tác giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân thực hiện cam kết và lời hứa cho phù hợp với trách nhiệm của người lấy phiếu tín nhiệm trước Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Ban soạn thảo cũng nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến bổ sung của các đại biểu bổ sung thêm các tiêu chí về căn cứ để đánh giá tín nhiệm, như sự gương mẫu của người thân, các mối quan hệ trong gia đình, những tác động phi vật chất trong việc có thể ảnh hưởng đến kết quả của phiếu; có thể bổ sung thêm về vấn đề thực hiện gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để bổ sung vào các căn cứ, tiêu chí đánh giá tín nhiệm.

Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6

Nghiên cứu bổ sung tiêu chí sự gương mẫu của người thân để lấy phiếu tín nhiệm ảnh 4

Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Vấn đề cách tính tỷ lệ phiếu, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, ở Quốc hội từ trước đến nay, theo tiền lệ và theo Nội quy của kỳ họp thì lấy phiếu trên tổng số đại biểu Quốc hội, kể cả đại biểu vắng mặt nhưng có triệu tập, trừ trường hợp đại biểu vắng có lý do không triệu tập đến kỳ họp, còn đại biểu đã được triệu tập đến kỳ họp thì đều được tính trên tổng số đại biểu.

Về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ và nhiệm kỳ này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023 và Hội đồng nhân dân các cấp lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp cuối năm 2023.

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, đối chiếu với Quy định số 96 và tổng kết thực tiễn cho thấy quy định về thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm như trên là hợp lý. Người lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện nhiệm vụ đã được nửa nhiệm kỳ và việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành từ Trung ương tới địa phương.

Về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, dự thảo nghị quyết đã bảo đảm thể chế đầy đủ Quy định số 96 và các văn bản của Đảng về từ chức và xử lý cán bộ khi có uy tín thấp để bảo đảm đồng bộ, tổng thể, liên thông giữa các quy định của Đảng và quy định của Nhà nước.

Nghiên cứu bổ sung tiêu chí sự gương mẫu của người thân để lấy phiếu tín nhiệm ảnh 5

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp chiều 9/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Trong dự thảo nghị quyết này cũng đã thể hiện rất rõ những nội dung và đã bám sát Quy định số 96: Cán bộ không nhận được sự tín nhiệm của đại biểu, có nghĩa là có trên 2/3 tín nhiệm thấp hoặc trên 50% không tín nhiệm thì tiến hành xử lý bằng hình thức miễn nhiệm chức vụ theo quy định.

Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng nêu rõ, tại Nghị quyết số 85, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ nhằm mục đích đánh giá cán bộ, nhưng trong dự thảo nghị quyết này, việc lấy phiếu tín nhiệm đã thể hiện sự quyết liệt, nghiêm khắc, rõ mức độ trong công tác đánh giá và xử lý cán bộ.

Quy định này cũng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng liên thông với Quy định số 41 ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc từ chức, miễn nhiệm cán bộ và Thông báo Kết luận số 20 ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị về bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật mà có năng lực và uy tín giảm sút.

Theo dự kiến, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) vào phiên họp chiều 23/6 tới.