Đại biểu Quốc hội đề xuất lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong nhiệm kỳ

NDO - Việc lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong nhiệm kỳ thay vì 1 lần như quy định hiện tại sẽ giúp cán bộ “tự soi, tự sửa”, đồng thời không bỏ sót các đối tượng chưa đủ thời gian bầu, phê chuẩn để tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 19 chiều 30/5. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 19 chiều 30/5. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 30/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (Hội đồng nhân dân) bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Làm rõ các hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm

Thảo luận tại Tổ 19, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết. Đại biểu cho rằng, về định nghĩa “lấy phiếu tín nhiệm” đã cập nhật thêm theo yêu cầu của Quy định số 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Với định nghĩa này, số lượng mục đích của lấy phiếu tín nhiệm tăng lên rất nhiều, song theo đại biểu, còn một số mục đích chưa được làm rõ trong dự thảo như về đánh giá cán bộ, đưa ra khỏi quy hoạch, hoặc bố trí vị trí công tác khác thấp hơn. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm về các hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm như đã nêu.

Đại biểu Quốc hội đề xuất lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong nhiệm kỳ ảnh 1

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Liên quan Điều 12 về hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm, như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đã nêu, trong trường hợp khoản 2: Nếu người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì tiến hành miễn nhiệm ở kỳ họp gần nhất.

Có ý kiến cho rằng nên cho người được lấy phiếu tín nhiệm này một cơ hội để xin từ chức, nếu không xin từ chức thì các cơ quan này mới đưa ra miễn nhiệm.

Quan điểm của đại biểu Mai Thị Phương Hoa là đồng tình với quy định của dự thảo, tức nếu người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì tiến hành miễn nhiệm ngay.

Đại biểu cho rằng, quy định có tính phân hóa thành 2 cấp độ như vậy sẽ hợp lý và nghiêm khắc hơn. “Rõ ràng với những người có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cần đưa ra miễn nhiệm ngay, và có thể xem xét miễn nhiệm luôn chứ không cần quay về cơ quan đề xuất để tránh thủ tục dài dòng”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội đề xuất lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong nhiệm kỳ ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Để không bỏ sót đối tượng và tạo điều kiện cho việc thực hiện, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) kiến nghị bổ sung thêm một Điều mới trong dự thảo Nghị quyết về đối tượng không lấy phiếu tín nhiệm vì hiện chưa có quy định rõ về vấn đề này.

Trên thực tế có nhiều trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm đối với nhiều vị trí mới được bầu, phê chuẩn hoặc chưa đủ thời gian công tác, làm việc để Quốc hội, Hội đồng nhân dân đánh giá lấy phiếu; một số trường hợp bị bắt, bị tạm giam để phục vụ quá trình điều tra xét xử; hoặc một số trường hợp sắp đến kỳ lấy phiếu tín nhiệm thì nghỉ việc, xin thôi việc, hay bị bãi nhiệm, miễn nhiệm.

Theo đại biểu, nếu không quy định rõ những đối tượng này trong dự thảo Nghị quyết sẽ gây khó khăn cho cơ sở trong quá trình thực hiện.

Do đó, đại biểu tỉnh Bình Dương kiến nghị bổ sung Điều 3 về đối tượng không lấy phiếu tín nhiệm đối với 3 trường hợp: Thứ nhất, người giữ chức vụ quy định tại khoản 1 và 2 Điều này đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm, hoặc nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cấp có thẩm quyền tính đến thời điểm khai mạc kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm.

Thứ hai, áp dụng với trường hợp mới được bầu, phê chuẩn, thời gian bầu, phê chuẩn dưới 12 tháng hoặc 6 tháng.

Thứ ba, trường hợp bị bắt, tạm giam để phục vụ quá trình điều tra, truy tố, xét xử trong các vụ án hình sự.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng nêu một vấn đề mà cử tri rất quan tâm liên quan Điều 7, trong đó quy định nhiệm vụ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để lấy ý kiến đối với những trường hợp lấy phiếu tín nhiệm (nếu có).

Cử tri kiến nghị cần quy định rõ nhiệm vụ, quy trình, đối tượng, thời gian lấy ý kiến cử tri của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, vì những chức danh này đều phải lấy ý kiến cử tri chứ không phải quy định nếu có như dự thảo.

Kiến nghị lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong nhiệm kỳ

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng nêu kiến nghị từ các cấp cơ sở khi đề xuất cần lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong nhiệm kỳ chứ không phải 1 lần. Lý do theo đại biểu nêu sẽ giúp cán bộ “tự soi, tự sửa”, đồng thời không bỏ sót các đối tượng chưa đủ thời gian bầu, phê chuẩn 12 tháng hoặc 6 tháng.

Đại biểu nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm này cũng là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá, lựa chọn cán bộ cho nhiệm kỳ sau, cũng như đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ trong điều kiện, hoàn cảnh phù hợp.

Đồng thời, qua việc lấy phiếu tín nhiệm 2 lần cũng tạo cơ hội cho những người đã có kết quả lấy phiếu tín nhiệm thấp có điều kiện rèn luyện trong công tác, qua đó cải thiện việc lấy phiếu tín nhiệm của mình.

Đại biểu Quốc hội đề xuất lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong nhiệm kỳ ảnh 3

Đại biểu Võ Văn Kim (Nam Định) phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đại biểu Võ Văn Kim (Nam Định) cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ được tổ chức 1 lần trong nhiệm kỳ, vậy nếu có trường hợp bất trắc xảy ra thì sẽ giải quyết như thế nào?

Đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị quyết lần này đã làm kỹ hơn, khi có quy định quá mức 1/2 đến dưới 2/3 tổng số đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm thấp thì phải xin từ chức, còn từ mức 2/3 tín nhiệm thấp trở lên thì sẽ tiến hành miễn nhiệm ngay.

Đại biểu Võ Văn Kim nêu rõ yêu cầu đối với bên lấy phiếu tín nhiệm phải trung thực, nhất là về vấn đề kê khai tài sản, thu nhập phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch và trung thực.

Đại biểu Quốc hội đề xuất lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong nhiệm kỳ ảnh 4

Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Trong khi đó, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Nghị quyết chỉ hoàn toàn tập trung vào đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, còn ngược lại nếu công tác tổ chức có vấn đề thì xử lý như thế nào?

“Thí dụ như người được lấy phiếu tín nhiệm sau đó tìm được bằng chứng chứng minh kết quả đó không thuyết phục, không chính xác và có vấn đề, chứng minh mình bị oan thì có tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm lại không”, đại biểu Trần Quang Minh nêu câu hỏi.

Cho rằng không phải tất cả các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm là hoàn toàn chính xác, đại biểu đề nghị cần có giải pháp để xử lý vấn đề trên.