Nghi lễ cúng rừng của người J’rai

Khi thu hoạch lúa về kho cũng là lúc cộng đồng người J’rai ở Gia Lai lại cùng nhau tổ chức lễ cúng rừng với mong ước một năm bình an, may mắn. Nghi lễ cúng rừng được duy trì hằng năm, nhằm tạ ơn thần Rừng đã che chở, cung cấp lương thực, thực phẩm, sản vật dưới tán rừng…nuôi sống bà con dân làng.
0:00 / 0:00
0:00
Già làng Siu Tơr cùng bà con thực hiện nghi lễ cúng thần Rừng.
Già làng Siu Tơr cùng bà con thực hiện nghi lễ cúng thần Rừng.

Nghi lễ cúng rừng của người J’rai không chỉ là nét văn hóa gắn với triết lý đa thần mà còn khẳng định giá trị nhân văn của cộng đồng: Sống dựa vào rừng và cùng ý thức chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ mẹ thiên nhiên. Việc duy trì và phát triển nét văn hóa này còn góp phần gìn giữ, bảo vệ những cánh rừng thêm xanh, gắn với phát triển du lịch sinh thái; đồng thời qua đó giáo dục thế hệ trẻ tiếp bước nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ rừng.

Theo truyền thống của người J’rai, lễ cúng rừng được tổ chức rất đơn giản, không đánh cồng chiêng vì sợ động đến thần Núi, thần Rừng. Lễ vật cúng cũng tùy theo từng năm, nếu có điều kiện thì mổ lợn, mổ bò, còn không thì chỉ cần một con gà, ché rượu, chiếc nỏ cùng bó tên là đủ.

Ðã thành thông lệ, từ sáng sớm, người già, trai gái hai làng O Grang và De Chí, xã Ia Pếch (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) men theo lối nhỏ vào rừng, đến địa điểm già làng chọn gần suối, dưới những tán rừng xanh để tổ chức lễ hội. Tại đây, dưới gốc dây leo đã xù xì theo thời gian, bên ché rượu cần và mâm lễ gồm lợn quay, gà nướng, thịt nướng, rượu cần, 1 bộ gan gà và 1 miếng thịt lợn sống được bày biện, chủ lễ là già Dơih trong bộ trang phục thổ cẩm dân tộc J’rai nghiêm trang đọc lời thề khấn mời và cảm tạ thần Rừng, thần Núi, thần Nước về chứng giám, năm qua cho làng mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, dân làng bình yên no đủ.

Ðồng thời, thay mặt dân làng, già Dơih hứa với các thần, bà con trong làng cùng chung tay giữ rừng, bảo vệ nguồn lợi từ rừng mang lại, ước mong rừng che chở cho dân làng trước thiên tai mưa lũ, cho một năm mới mọi loài phát triển, muông thú sinh sôi, mùa màng thuận lợi, người làng bình an, ấm cúng. Khi già Dơih cúng xong, lần lượt các già có vai vế trong làng tiếp tục các nghi thức cúng. Sau lời “xin phép” của các già làng, người dân đồng loạt tỏa vào rừng thu hoạch các lâm sản phụ dưới tán rừng như: măng, mật ong, cây dược liệu…

“Nhiều năm nay, dân làng hiểu nếu cây rừng mất thì lũ lụt từ trên rừng sẽ đổ xuống phá đồng ruộng, buôn làng. Nắng nóng sẽ làm cho cây lúa không phát triển. Từ đó, không ai dám chặt cây, phá rừng. Dân làng cũng có ý thức chung tay trồng rừng, phủ xanh đồi trọc”, già Siu Tơr bộc bạch.

Xã Ia Pếch hiện có gần 560 ha rừng, đều do cộng đồng hai làng O Grang và De Chí nhận khoán quản lý, bảo vệ. Những năm gần đây, được sự khuyến khích, hỗ trợ của chính quyền huyện, xã, người dân hai làng luân phiên tổ chức lễ cúng rừng, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời tạo sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Theo ông Ngô Khôn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Pếch, trong nhiều năm qua, công tác quản lý và bảo vệ rừng của người dân hai làng De Chí và O Grang được thực thi rất tốt. Xã thành lập Tổ quản lý bảo vệ rừng để cùng với người dân làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. “Nhờ huy động được sức mạnh của toàn dân mà công tác bảo vệ rừng tại xã luôn đạt được kết quả cao. Bên cạnh bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, người dân ở đây cũng tích cực tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng”, ông Tuấn cho biết.

Góp mặt tại buổi lễ ý nghĩa này, ông Ðinh Ích Hiệp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai cho hay, những năm qua, đơn vị luôn đồng hành cùng dân làng tổ chức lễ cúng rừng. Mỗi cán bộ, nhân viên bảo nhau đóng góp kinh phí hỗ trợ người dân tổ chức, động viên bà con giữ gìn bản sắc đi đôi với giữ rừng. Ngoài ra, tại buổi lễ, Hạt Kiểm lâm cũng lồng ghép tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của bà con về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ môi trường sinh thái, gắn kết trong cộng đồng dân cư với lực lượng bảo vệ rừng.

Huyện rất quan tâm đến các hoạt động văn hóa tâm linh gắn với việc bảo vệ rừng. Huyện sẽ tiếp tục nhân rộng nghi thức cúng rừng đến các xã, đặc biệt là những vùng “nóng” về tình trạng xâm hại rừng; đồng thời, nhân rộng mô hình giao khoán rừng để người dân phối hợp phủ xanh đồi trọc, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ðiều mừng nhất là người dân trong làng đã dẫn đông đảo con cháu đến tham dự buổi lễ. Ðiều này thể hiện những sự tiếp nối các thế hệ trong việc bảo vệ rừng.

Ðào Lân Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ia Grai