Nghi lễ cúng hạ thủy thuyền của người M’nông

Đối với đồng bào M’nông sinh sống ven hồ Lắk (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk), thuyền độc mộc không chỉ là phương tiện đi lại và mưu sinh trên hồ Lắk, hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nguyên mà còn là biểu tượng khẳng định sự giàu có, vị thế trong buôn làng. Trước đây, một chiếc thuyền độc mộc có giá trị quy đổi bằng một con trâu, do vậy những gia đình khá giả thường sở hữu từ một đến hai chiếc trở lên.
0:00 / 0:00
0:00
 Lễ vật cúng hạ thủy thuyền độc mộc của người M'nông.
Lễ vật cúng hạ thủy thuyền độc mộc của người M'nông.

Mới đây, trong khuôn khổ Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025, đồng bào M’nông sinh sống ven hồ Lắk đã tổ chức lễ cúng Yàng hay còn gọi là cúng hạ thủy thuyền, một nghi thức quan trọng khi đưa thuyền độc mộc xuống nước sử dụng.

Theo các già làng M’nông ở buôn Jun, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk thì quá trình chế tác thuyền độc mộc đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu. Trước tiên, người thợ phải vào rừng tìm gỗ sao, loại gỗ thân to, thẳng, phù hợp để đẽo thuyền. Khi tìm được cây rừng, trước khi đốn hạ, họ thực hiện nghi lễ cúng Yàng với lễ vật gồm gà, ché rượu cần… để xin phép thần rừng. Sau khi hoàn tất nghi lễ mới bắt đầu chặt cây.

Việc chế tác một chiếc thuyền độc mộc có thể kéo dài từ một đến vài tháng. Khi hoàn thành, gia chủ tổ chức lễ cúng Yàng hay còn gọi là cúng hạ thủy thuyền để cầu may mắn và bình an. Nghi lễ gồm hai phần: Cúng cho chiếc thuyền mới làm xong hoặc vừa mua về, sau đó là lễ cúng đưa thuyền xuống nước, đánh dấu sự khởi đầu cho hành trình gắn bó của con thuyền với chủ nhân.

Khi mới làm xong hay mới mua chiếc thuyền độc mộc về, gia chủ chuẩn bị nghi lễ và mời thầy cúng đến cúng hạ thủy thuyền. Ngồi trước mâm cúng được đặt ngay trước mũi chiếc thuyền, lời thầy cúng khấn: “Ơi Yàng sông, Yàng núi, Yàng rừng, Yàng thuyền, mong các Yàng phù hộ, che chở cho chủ thuyền may mắn, cảm tạ thần rừng đã sản sinh, nuôi nấng ra cây gỗ to lớn, chắc khỏe để làm nên chiếc thuyền như bây giờ.

Yàng phù hộ cho chủ thuyền có được chiếc thuyền chắc khỏe, không bao giờ bị mối mọt, giúp chủ thuyền đánh bắt được nhiều tôm, cá...”. Tiếp đó, thầy cúng đọc lời khấn: "Ơ Yàng ơi, Yàng nước, Yàng suối, Yàng hồ, Yàng đất, Yàng trời, Yàng núi hãy về đây; hôm nay, chúng con có chuẩn bị lễ vật dâng lên Yàng, cảm tạ Yàng, cầu mong Yàng phù hộ, mang sự bình yên cho buôn làng, cuộc sống luôn ấm no, hạnh phúc, mọi sự bình an, người dân trong buôn làng luôn yêu thương, đoàn kết cùng nhau làm ăn phát đạt.

Cầu mong nước hồ Lắk không bao giờ cạn, cầu cho những chuyến đi thuyền đánh bắt cá trên hồ được thuận buồm xuôi gió, không gặp tai nạn sông nước như lật thuyền, đuối nước…". Khấn xong, thầy cúng dùng bông gòn thấm tiết heo trộn với rượu cần rồi quét lên đầu chiếc thuyền, mái chèo và cây sào để dâng lên các thần linh, cầu mong sự chứng giám và ban phước. Nghi thức này thể hiện mong muốn con thuyền bền chắc, nổi vững trên mặt nước và phục vụ tốt cho gia chủ trong cuộc sống hằng ngày.

Lễ cúng hạ thủy thuyền độc mộc không chỉ là nghi thức tâm linh quan trọng mà còn phản ánh sâu sắc tín ngưỡng và bản sắc văn hóa của người M’nông sống ven hồ Lắk. Đây là cách họ bày tỏ lòng thành kính với thần linh, cầu mong sự che chở, may mắn và bình an cho con thuyền cũng như gia chủ. Tuy nhiên, theo đồng bào, việc vào rừng tìm gỗ để chế tác thuyền độc mộc chỉ diễn ra ngày trước, nhiều năm trở lại đây việc này không còn vì người dân không được vào rừng khai thác gỗ.

Hiện đồng bào M’nông ở các buôn làng ven hồ Lắk còn lưu giữ hơn 10 chiếc thuyền độc mộc, hằng ngày vừa sử dụng đánh bắt cá trên hồ để mưu sinh vừa dùng chở khách du lịch tham quan hồ Lắk. Dù vậy, đồng bào M’nông ở đây vẫn gìn giữ và thực hành nghi lễ này, không chỉ giúp bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn thể hiện sự gắn kết hài hòa giữa con người với thiên nhiên, với sông nước - nguồn sống gắn bó từ bao đời nay.