Thanh âm của đại ngàn

Xưa nay, thanh âm cồng chiêng đã trở nên quen thuộc với cư dân vùng đất Tây Nguyên. Mang trong mình những kết tinh của giá trị văn hóa, tiếng cồng, tiếng chiêng đã tạo nên bản sắc của vùng đất, con người nơi đây. Qua sự kế thừa, phát triển và gìn giữ của bao thế hệ, cồng chiêng Tây Nguyên luôn mãi ngân vang, là đại diện cho thanh âm đặc trưng của đại ngàn.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân A Thu bên dàn nhạc cụ truyền thống của dân tộc Xơ Đăng.
Nghệ nhân A Thu bên dàn nhạc cụ truyền thống của dân tộc Xơ Đăng.

Âm thanh tiếng cồng chiêng của đội cồng chiêng xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum cất lên thôi thúc người nghe đến với văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên. Sân nhà của nghệ nhân A Thu, thôn Đăk Rơ Gia, xã Đăk Trăm, bỗng chốc rộn ràng, đông đảo người dân đến tập luyện và thưởng thức cồng chiêng. Những người tập trung về đây đều say mê giai điệu, âm thanh cồng chiêng, vốn là niềm tự hào từ bao đời nay của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Thuần thục các tiết mục đặc sắc, như ngày hội vào mùa, chào khách… đã giúp xã Đăk Trăm xuất sắc đạt giải nhất trong Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đăk Tô.

Nghệ nhân A Thu trò chuyện, từ thời xa xưa, tiếng cồng, tiếng chiêng đã hiện diện trong đời sống của người Xơ Đăng. Tiếng cồng chiêng gắn bó với mỗi người con Xơ Đăng từ khi sinh ra, trưởng thành và cả khi mất đi. Nhờ tiếng cồng, tiếng xua đuổi chim, con thú để bảo vệ mùa màng, nương rẫy. Nhờ đó, người dân được no cái bụng, được sinh sống, phát triển trên mảnh đất này. Trong các lễ hội, cồng chiêng là vật thiêng, công cụ giao tiếp giữa con người và Yàng; chỗ dựa tinh thần để người dân gửi gắm đến Yàng cho cuộc sống ấm no, khỏe mạnh.

Theo nghệ nhân A Thu, bộ cồng chiêng của người Xơ Đăng gồm 13 bộ phận (8 chiêng, 3 cồng, 1 trống và 1 chũm chọe chập chả). Mỗi bộ phận tạo ra những âm thanh khác nhau, chính vì vậy, người đánh phải tự cảm nhận, để có thể điều khiển chúng theo ý muốn. Người Xơ Đăng thổi hồn vào cồng chiêng, sáng tác ra những điệu nhạc gắn liền với đời sống hằng ngày của mình.

Những bài cồng chiêng, như mừng lúa mới, bắc máng nước, mừng nhà rông… đã in sâu trong ký ức của mỗi người Xơ Đăng. Khung cảnh ánh lửa bập bùng bên nhà rông, hòa cùng tiếng chiêng, tiếng cồng và điệu xoang truyền thống là hình ảnh đẹp, luôn được người Xơ Đăng nhắc đến mỗi khi họ giới thiệu về văn hóa của mình.

Thấy mọi người đã đông đủ, nghệ nhân A Thu chậm rãi đứng lên phân phát những chiếc cồng, chiếc chiêng cho mọi người và bắt đầu luyện tập. Là nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng trên địa bàn xã Đăk Trăm, nghệ nhân A Thu vừa gõ những thanh âm theo nhịp điệu để người nghe cảm nhận vừa ân cần giải thích về tiết tấu của từng bộ phận của bộ cồng, chiêng cho các học viên trong xã.

Giai điệu trong các bài cồng chiêng của người Xơ Đăng cũng mang nét đặc trưng riêng. Theo nghệ nhân A Thu, các bài cồng chiêng của những dân tộc khác thường chú trọng tiết tấu dồn dập, sôi động, hùng tráng cùng với sự ngẫu hứng cao độ, gây ấn tượng mạnh cho người thưởng thức. Các bài chiêng của người Xơ Đăng thì ngược lại, đa phần đều có giai điệu, tiết tấu nhẹ nhàng, chậm rãi cuốn hút người nghe.

Đã hơn 10 năm kể từ thời điểm đội cồng chiêng đầu tiên của xã được thành lập, đến nay toàn xã Đăk Trăm đã có 3 đội cồng chiêng. Các đội được chia theo từng độ tuổi, đội thiếu nhi, đội thanh niên và đội trung niên. Tuy nhiên, dù ở bất cứ độ tuổi nào, mỗi người Xơ Đăng đều bộc lộ niềm đam mê, tự hào với cồng chiêng. Dường như đối với họ “chất cồng chiêng” đã trong máu ngay từ khi sinh ra.

Sau những giờ lao động vất vả, khi mặt trời xuống núi, cũng là lúc các lớp học cồng chiêng tại nhà nghệ nhân A Thu tấp nập những người vào ra. Họ đến đây không chỉ để được nghe, thưởng thức, mà mỗi người đều muốn trau dồi, rèn luyện kỹ năng của mình để mong muốn trở thành người đánh chiêng giỏi nhất, hay nhất.

Với những nét độc đáo và giá trị riêng biệt, cồng chiêng đã tồn tại và không thể tách rời khỏi đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Xơ Đăng trên mảnh đất Kon Tum. Là kiệt tác phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận, nghệ thuật cồng chiêng mang đậm dấu ấn và sức sống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và người Xơ Đăng nói riêng.

Lửa đã rực cháy giữa đại ngàn, tiếng cồng, tiếng chiêng từ nhà nghệ nhân A Thu vẫn ngân vang, lan xa đến những buôn làng ở Đăk Trăm.