Phim truyền hình Việt Nam giành giải cao tại LHP quốc tế

Chạy án là phim truyền hình duy nhất của nước ta được phía bạn mời tham dự, cũng là lần đầu tiên một bộ phim truyền hình Việt Nam được tham gia LHP quốc tế.

Các nhà tổ chức LHP đã chọn Chạy án từ rất nhiều bộ phim truyền hình khác của Việt Nam để giới thiệu tại Tokyo với tư cách là Phim khách mời (Invited Foreign Dramas). Chạy án được nhận xét là một bộ phim xuất sắc, tiên phong về chống tham nhũng, hối lộ - một vấn nạn xã hội được các nước quan tâm. Các nhà tổ chức cũng đánh giá tinh thần dân chủ, đổi mới của bộ phim khi thẳng thắn đề cập sự tha hóa của một số người trong đội ngũ lãnh đạo.

Tập hai của Chạy án, phần một được công chiếu tại LHP, đồng thời chiếu trên kênh NHK (Nhật Bản). Ðạo diễn Vũ Hồng Sơn, hai diễn viên chính Dũng Nhi (vai Cao Ðức Cẩm) và Phan Hòa (vai hoa hậu Minh Phương), cùng đạo diễn Khải Hưng - Giám đốc VFC - được mời tới tham dự LHP. Họ cũng tham gia vào buổi hội thảo trao đổi hoạt động làm phim, cách thức sản xuất phim.

Hành trình đến với LHP truyền hình quốc tế Nhật Bản 2008 của bộ phim này không hề dễ dàng khi có nhiều vấn đề xảy ra do sự khác biệt về tiêu chuẩn kỹ thuật của phim tham dự do Ban Tổ chức LHP đề ra. Các phim của nước ngoài thường làm trong trường quay, thu tiếng đồng bộ trong khi ở Việt Nam phải thu bối cảnh tự nhiên và lồng tiếng. Phim các nước có chất lượng hình ảnh rất rõ nét còn phim Việt Nam hình ảnh thường xấu. Trước đây đã có nhiều nước hỏi mua phim Chạy án và những phim khác nhưng khi biết các nhà làm phim Việt Nam vẫn dùng máy quay betacam để thực hiện, họ quan ngại về tiêu chuẩn kỹ thuật.

Với Chạy án, Ban tổ chức LHP thấy "lạ" khi Chạy án 1 không sản xuất bằng chất liệu HD, tức quay bằng máy kỹ thuật số, âm thanh, hình ảnh được lưu trong thẻ từ và đề nghị gửi bản phim gốc, đồng thời làm lại âm thanh. May mắn là sau đó chuyên gia âm thanh Vũ Hồng Sơn chủ động xử lý lại. Ðiều này cho thấy, kỹ thuật làm phim video giữa Việt Nam và các nước đã có một khoảng cách khá lớn. Bù lại, phim truyền hình Việt Nam gây ấn tượng mạnh với khán giả nước ngoài về nội dung. Sau khi trình chiếu, phim tạo ấn tượng mạnh đối với người xem.

Nhiều hãng báo chí ngỏ ý đưa phim về trình chiếu tại nước họ. Ðạo diễn Khải Hưng đại diện cho VFC tham dự LHP chia sẻ: "Lần đầu tiên tham dự LHP truyền hình, kiểm chứng được phim Việt Nam đang đứng ở vị trí nào, đang làm gì và sẽ phải làm gì. Về nội dung, phim truyền hình nước ta không thua kém gì, chỉ yếu ở kỹ thuật làm phim". Ðạo diễn cũng đánh giá cao cách thức chuyên nghiệp về tổ chức, chấm giải của LHP. Bên cạnh đó là những vấn đề thực tiễn được đặt ra trong hội thảo sản xuất phim, như phim dành cho đối tượng nào, ai tài trợ, có bán được quảng cáo không, phương thức chọn diễn viên ra sao... LHP cũng mở ra cơ hội trao đổi, phát hành phim giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Theo đạo diễn Khải Hưng, muốn phát hành phim ra nước ngoài, cần phải làm chuẩn quốc tế từ đầu. Ngoài ra, cần biết thị hiếu khán giả mỗi nước. Chẳng hạn, công chúng Nhật thích phim nội tâm, không quan trọng ngoại hình diễn viên, trong khi phim Hàn Quốc lại chú trọng vẻ bắt mắt.

LHP Truyền hình Tokyo diễn ra hằng năm. Liên hoan phim coi trọng tính thị trường và tiềm năng thương mại, nhằm mục đích phát hành phim ra nước ngoài và phục vụ khán giả tốt hơn. Ðây là một trong ba LHP truyền hình lớn nhất châu Á, bên cạnh LHP Seoul (Seoul Drama Awards) và LHP Thượng Hải (Shanghai TV Festival).

LHP có nhiều hạng mục giải thưởng khác nhau. Grand Prix là giải thưởng cao nhất dành cho phim. Bên cạnh đó có các giải trao cho phim theo các thể loại như Thiếu nhi, Gia đình, Lịch sử... Giải cho các cá nhân xuất sắc (Nam diễn viên, Nữ diễn viên, Ðạo diễn xuất sắc). Ngoài ra, LHP còn trao giải cho các phim nước ngoài tham dự.