Nghề đan lát của người Jrai

Từ bao đời nay, nghề đan lát tạo nên những vật dụng rất gần gũi, gắn bó và không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Vừa tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nghề đan lát truyền thống vừa lưu giữ nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số trên miền đất đại ngàn.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân xã Ia Pết (huyện Đắk Đoa) trình diễn kỹ thuật đan lát tại Ngày hội sắc màu văn hóa Gia Lai.
Nghệ nhân xã Ia Pết (huyện Đắk Đoa) trình diễn kỹ thuật đan lát tại Ngày hội sắc màu văn hóa Gia Lai.

Từ tình yêu văn hóa truyền thống cùng với sự cần mẫn, khéo léo, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã biến những ống lồ ô, tre, nứa thành những sản phẩm tiện ích, gắn với văn hóa dân tộc, như gùi, rổ, rá, nong, nia và một số thành phần của nhà rông, nhà dài… Các sản phẩm độc đáo, tinh tế của các nghệ nhân được làm từ vật liệu thiên nhiên, được bảo quản bằng phương pháp truyền thống (hong khô trên gác bếp) cho nên có độ bền cao và mẫu mã luôn được cải tiến, được người tiêu dùng trong nước, quốc tế yêu thích.

Ông Rơ Châm Nguich ở làng Dút 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, đã hơn 60 mùa rẫy, nhưng vẫn cháy niềm đam mê với nghề đan lát. Trong đó, sản phẩm gùi của ông được nhiều người ưa chuộng. Ông Nguich chia sẻ: “Mình biết đan gùi từ khi 10 tuổi, được học từ những người lớn trong buôn làng. Đây là vật dụng luôn gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên”.

Tùy vào mục đích sử dụng mà chiếc gùi được chế tác với hình dạng, kích cỡ khác nhau. Gùi dùng để đựng trái cây, đồ đi làm rẫy thì đan thưa hơn; các loại gùi kín, dày dùng để đựng gạo, bắp, hạt giống... Những chiếc gùi dùng để biểu diễn trong lễ hội thì đan rất công phu và không thể thiếu hoa văn truyền thống của người Jrai. Theo ông Nguich, làm ra một chiếc gùi đẹp và bền phải mất 2 đến 3 ngày, từ khâu vào rừng kiếm tre, nứa “vừa tuổi” để có độ dẻo, rồi đem ngâm nước, phơi khô, chẻ và chuốt sợi nan thật đều. Với những chiếc gùi có hoa văn, họa tiết, nghệ nhân phải tính toán, sắp xếp hợp lý mầu sắc, rồi đan, điểm xuyết khéo léo.

Ở làng Ngơm Thung, xã Ia Pết, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, ông Rinh là nghệ nhân đan lát. Từ năm 11 tuổi, ông đã học đan gùi. Khi thấy Rinh chăm chú nhìn người làng đan, người chú đã quyết định truyền lại nghề đan lát cho ông. “Trong nghề đan lát, khâu chọn lồ ô, tre, nứa rất công phu; nhưng kỹ thuật đan gùi hoa vẫn khó nhất. Làm sao để phối mầu, trang trí hoa văn, họa tiết thể hiện nét văn hóa của dân tộc mình đòi hỏi sự đam mê, sự tỉ mẩn và sáng tạo”, ông Rinh cho biết.

Với kỹ thuật đan khéo léo, các sản phẩm có hoa văn phong phú, bền đẹp, nhiều khách hàng trong và ngoài nước đã tìm đến đặt mua. Các địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm từ các làng nghề truyền thống được trưng bày, giới thiệu tại nhiều chương trình xúc tiến thương mại, trung tâm giới thiệu sản phẩm.

Hiện, trên những buôn làng Tây Nguyên, các nghệ nhân Jrai đang miệt mài vừa chế tác sản phẩm, vừa truyền dạy nghề đan lát truyền thống cho thế hệ trẻ, để gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.