Ngành nông nghiệp châu Âu lao đao trước nắng nóng

Sức nóng từ những đợt sóng nhiệt bất thường tại châu Âu đã lan đến nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng, đẩy người nông dân vào tình cảnh bế tắc. Bài toán an ninh lương thực, vốn đã bấp bênh, khó lường do tình hình xung đột và dịch bệnh, nay lại thêm phần nan giải.
0:00 / 0:00
0:00
Lòng sông khô hạn do hạn hán, tại Turin, Italy, ngày 17/6/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)
Lòng sông khô hạn do hạn hán, tại Turin, Italy, ngày 17/6/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hình ảnh những cánh đồng khô cằn, nứt nẻ; mực nước giảm mạnh khiến sông, hồ cạn trơ đáy thường xuyên được bắt gặp tại các khu vực nông thôn của châu Âu trong những ngày hè “đổ lửa” vừa qua. Người nông dân nơi đây ngày càng bi quan khi đợt hạn hán dài nhất và nóng nhất trong nhiều thế kỷ đang lan rộng khắp châu lục.

Theo các nhà khoa học, đợt hạn hán năm 2022 có thể là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất tại “lục địa già” trong vòng 500 năm. Hạn hán khiến nông dân đứng trước nguy cơ mất mùa và gây ra hàng loạt hệ lụy như làm gián đoạn việc vận chuyển than ở Đức, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của các cơ sở năng lượng hạt nhân ở Pháp, gây cháy rừng ở Anh, Tây Ban Nha...

Đài quan sát hạn hán toàn cầu của Liên minh châu Âu (EU) ước tính, 17% diện tích châu Âu hiện đang thuộc danh mục hạn hán báo động đỏ, cao hơn mức 11% được đưa ra hồi tháng 7/2022. Mặc dù lượng mưa ở mức bình thường sẽ được ghi nhận tại các khu vực của châu Âu trong những tháng tới nhưng không đủ để phục hồi hoàn toàn lượng nước đã thất thoát trong suốt nửa năm nay.

Tại Italia, thời tiết cực đoan có khả năng làm giảm ít nhất 1/3 tổng sản lượng nông nghiệp của nước này. Chủ một trang trại trồng nho và ô-liu ở vùng Tuscany thuộc miền trung Italia dự báo, sản lượng nho năm nay sẽ giảm 20%, còn quả ô-liu sẽ nhỏ hơn và có vị đắng hơn. Các khu vực khác của châu Âu cũng chia sẻ nỗi lo chung về thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp Hungary cho biết, tổn thất về nông nghiệp của nước này từ đầu năm 2022 đến nay đã lớn gấp đôi tổng thiệt hại của 10 năm trước đó cộng lại. Để thích nghi với tình hình thời tiết cực đoan, một số nông dân của quốc gia Trung Âu này chuyển sang trồng các loại cây nhiệt đới như chuối và kiwi. Còn ở Slovenia, các trang trại không có hệ thống tưới tiêu có thể bị mất mùa hoàn toàn trong năm nay.

Nắng nóng và hạn hán không chỉ khiến ngành nông nghiệp lao đao mà còn đẩy nhiều lĩnh vực khác như năng lượng, giao thông vào cảnh khó khăn. Nhiệt độ tăng cao khiến cơ sở hạ tầng bị hư hại, mặt đường bị nứt, đường ray biến dạng làm giao thông ở một số quốc gia như Anh, Hà Lan, Italia... ngưng trệ. Tình trạng thiếu nước cũng tác động tiêu cực đến ngành năng lượng bởi nước có vai trò quan trọng cho hoạt động sản xuất thủy điện. Thực trạng này đe dọa làm tăng giá điện của châu Âu, vốn đã ở mức cao kỷ lục.

Hàng loạt biện pháp, trong đó có hạn chế tiêu thụ nước, được các quốc gia áp dụng để đối phó tình trạng thiếu nước trầm trọng. Nhưng đây chỉ là những biện pháp mang tính tạm thời.

Giới chuyên gia cảnh báo, các vấn đề mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt sẽ xảy ra thường xuyên trong tương lai. Điều này đòi hỏi thế giới cần hành động nhanh chóng, quyết liệt hơn nữa khi thảm họa từ biến đổi khí hậu đang dồn dập “gõ cửa” mọi châu lục, trong đó có châu Âu-nơi lâu nay nổi tiếng với khí hậu mát mẻ, ôn hòa.

Giới chức các nước châu Âu cũng kêu gọi khu vực nên vạch ra chiến lược lâu dài về quản lý nguồn nước và năng lượng. Người đứng đầu Cơ quan Môi trường Anh James Bevan nêu rõ, mùa hè khắc nghiệt năm nay là lời cảnh tỉnh cho nước Anh rằng cần chuẩn bị tốt hơn để ứng phó các loại hình thời tiết cực đoan, cũng như có chiến lược sử dụng hiệu quả nhất tài nguyên nước. Về lâu dài, các chính phủ cần tập trung chống biến đổi khí hậu một cách quyết liệt bởi đây là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến sự thay đổi vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên.

Châu Âu đang trải qua một giai đoạn không mấy dễ dàng khi cùng lúc phải đối phó với hàng loạt thách thức, từ xung đột, dịch bệnh, lạm phát cho đến các hình thái thời tiết cực đoan và hạn hán đang ở mức báo động. Những đợt nắng nóng kéo theo tình trạng cháy rừng, hạn hán hiện nay chính là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất về tổn thất nghiêm trọng mà biến đổi khí hậu gây ra với con người.