Ngành gốm sứ châu Âu chật vật ứng phó bão giá năng lượng

NDO - Bắt đầu giờ làm việc sớm hơn, hay phải chuyển đổi các lò nung vốn tiêu thụ nhiều năng lượng là những giải pháp mà ngành công nghiệp gốm sứ châu Âu đang áp dụng để vượt “cơn bão giá” trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên nhà máy gốm sứ Ceramiche Noi, ở Citta di Castello, Italia bắt đầu ca làm việc từ sáng sớm để tận dụng thời tiết mát mẻ và tránh phải sử dụng nhiều năng lượng làm mát trong mùa hè oi bức. (Ảnh: Reuters)
Nhân viên nhà máy gốm sứ Ceramiche Noi, ở Citta di Castello, Italia bắt đầu ca làm việc từ sáng sớm để tận dụng thời tiết mát mẻ và tránh phải sử dụng nhiều năng lượng làm mát trong mùa hè oi bức. (Ảnh: Reuters)

Do nguồn cung năng lượng hạn chế, các nhà máy gốm sứ trên khắp châu Âu đang buộc phải chuyển đổi mô hình hoạt động, chật vật tìm cách tồn tại trong bối cảnh chi phí tăng chóng mặt.

Ở thị trấn Citta di Castello, miền trung Italia, các công nhân tại nhà máy Ceramiche Noi, nơi sản xuất bát, đĩa và nhiều vật dụng gốm sứ gia dụng khác, đang phải tập làm quen với khung giờ làm việc từ 6 giờ sáng, cũng như bắt buộc phải cắt giảm chi phí. Hóa đơn năng lượng của công ty này đã tăng tới... 1.000% trong năm qua.

Đẩy thời gian bắt đầu giờ làm việc lên sớm hơn 3 giờ đồng hồ cho phép nhà máy này tận dụng mức giá năng lượng rẻ hơn ngoài giờ cao điểm, đồng thời tránh phải hoạt động quá lâu trong điều kiện thời tiết nắng nóng.

Giám đốc phụ trách thương mại của Ceramiche Noi, ông Lorenzo Giornelli, cho biết: "Trong những giờ làm việc đầu tiên trong ngày, nhiệt độ thường thấp hơn và do đó chúng tôi có thể hạn chế phải bật quạt vào ban ngày để tiết kiệm năng lượng và sử dụng điện ở khung thời gian khi giá rẻ hơn".

Những sự thay đổi trên cho thấy cách các doanh nghiệp đang tiêu thụ nhiều năng lượng trên khắp châu Âu phải điều chỉnh hoạt động của mình để tránh lâm vào tình trạng “tê liệt”, trong bối cảnh chi phí cho năng lượng tăng chóng mặt, cùng giá khí đốt tăng vọt dưới tác động của cuộc xung đột ở Ukraine.

Giá năng lượng được dự báo có khả năng còn tăng cao hơn nữa, tác động trực tiếp đến chi phí của các loại hàng hóa và dịch vụ khác.

Ngành gốm sứ châu Âu chật vật ứng phó bão giá năng lượng ảnh 1

Công nhân làm việc tại nhà máy gốm sứ Ceramiche Noi, Citta di Castello, Italia. (Ảnh: Reuters)

Cầm trên tay bảng thống kê chi phí khí đốt hàng tháng của Ceramiche Noi với mức trung bình lên tới 127 nghìn euro, ông Giornelli cho biết, hóa đơn năng lượng của nhà máy đã tăng 1.000%.

Mùa hè năm ngoái, chi phí này chỉ ở mức khoảng 18 nghìn euro, trong khi năm nay, thậm chí nhà máy còn sử dụng ít năng lượng hơn.

Tại Hà Lan, công ty Royal Delft, sở hữu dòng sản phẩm gốm "Delft Blue" nổi tiếng với nhiều tác phẩm gốm thủ công có hình ảnh những chiếc cối xay gió và phong cảnh đặc trưng Hà Lan trên sản phẩm, dự định thay thế 1 trong 3 lò nung chính chạy khí đốt bằng lò điện trong năm nay, bên cạnh việc dừng hoạt động hệ thống sưởi vào mùa đông này.

Để tiết kiệm năng lượng, công ty có lịch sử lâu đời từ năm 1653 cũng lên kế hoạch tận dụng triệt để công suất các lò nung để xử lý nhiều sản phẩm cùng lúc nhất có thể.

Giám Đốc điều hành Royal Delft, ông Henk Schouten cho biết, công ty muốn thay thế cả 3 lò, nhưng vì chi phí cho mỗi lò mới lên tới 100 nghìn euro và phải trả trước, nên công ty buộc phải thay thế dần các lò cũ.

Chi phí tăng cao đã gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty, nhưng giá điện hiện tại cũng đang khiến lãnh đạo Royal Delft “đau đầu”, ông Schouten nói.

Trong bối cảnh chi phí cho năng lượng tăng chóng mặt, cùng giá khí đốt tăng vọt dưới tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine, giá năng lượng được dự báo có khả năng còn tăng cao hơn nữa, tác động trực tiếp đến chi phí của các loại hàng hóa và dịch vụ khác.

Tuy tình hình chưa hẳn vượt quá tầm kiểm soát đối với 1 doanh nghiệp đã có lịch sử lâu đời từ năm 1653, nhưng ông Schouten cho biết thêm, chắc chắn Royal Delft muốn hoạt động kinh doanh của mình sinh lời, chứ không phải gồng gánh thêm chi phí.

Tuy nhiên, đối với một số công ty nhỏ trong chuỗi cung ứng, tình hình đang trở nên rất bấp bênh.

Azuliber, một trong những nhà sản xuất đất sét nung chính của Tây Ban Nha, đã buộc phải tạm dừng một phần dây chuyền sản xuất và cho 117 công nhân nghỉ việc, sau khi giá khí đốt trở nên "hoàn toàn không thể chi trả được", theo thông báo chính thức từ công ty này.

Azuliber, thuộc tập đoàn sản xuất gạch men Tây Ban Nha Pamesa Group, cho biết chi phí sản xuất 1 tấn đất sét - 1 thành phần quan trọng trong ngành sản xuất gạch men - đã tăng hơn 1.000% trong năm ngoái, trong khi các nguồn hỗ trợ là chưa đủ so với các chi phí để vực dậy ngành công nghiệp này.