Châu Âu đối mặt nguồn cung năng lượng tiếp tục giảm

Trong bối cảnh quan ngại về sự sụt giảm nguồn cung khí đốt đang gia tăng, châu Âu tiếp tục đối mặt tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng do các hư hỏng trong hệ thống đường ống dẫn dầu từ Kazakhstan qua Nga.
0:00 / 0:00
0:00
Nga thông báo đang bảo trì đường ống của Nord Stream 1. Ảnh: EURO NEWS
Nga thông báo đang bảo trì đường ống của Nord Stream 1. Ảnh: EURO NEWS

Nguồn cung từ Nga giảm 75%

Nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga cho châu Âu hiện giảm khoảng 75% so cùng kỳ năm ngoái, khi tập đoàn Gazprom của Nga thông báo bảo trì đột xuất đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) chạy qua biển Baltic tới Đức. Nga thông báo sẽ tạm dừng cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1 trong ba ngày vào cuối tháng 8, dự kiến từ ngày 31/8-2/9 để bảo trì. Ngay cả sau khi kết thúc bảo trì, lượng khí đốt từ Nga sang châu Âu qua Nord Stream 1 cũng chỉ đạt 33 triệu m3/ngày, tương đương 20% công suất.

Trong khi đó, theo Caspian Pipeline Consortium (CPC) - liên doanh quản lý đường ống vận chuyển khoảng 1% lượng dầu toàn cầu và có cổ đông lớn nhất là công ty Transneft của Nga, hoạt động nạp dầu tại hai trong ba điểm neo tại một trạm ở Biển Đen đã bị ngưng trệ. CPC nêu rõ phải tạm ngừng hoạt động này ở các điểm neo SPM-1 và SPM-2 do hư hỏng tại các điểm nối của ống bọc dưới nước với các bể chứa nổi và cần phải được khắc phục.

Trong bối cảnh khủng hoảng nguồn cung khí đốt, giá bán buôn khí đốt tại thị trường châu Âu đóng cửa ngày 22/8 thiết lập mức cao kỷ lục mới. Theo đó, giá khí đốt hợp đồng tương lai giao tháng 9 tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan tăng 14,6%, đứng ở mức 280,24 euro/MWh. Cùng thời điểm này năm ngoái, giá khí đốt tại châu Âu được giao dịch dưới 27 euro/MWh. Nga dự báo trung bình giá khí đốt xuất khẩu của nước này sẽ tăng hơn gấp đôi trong năm nay, lên mức 730USD/1.000m3 trước khi giảm dần đến cuối năm 2025 khi xuất khẩu khí đốt thông qua các đường ống dẫn giảm.

Dự báo người dân châu Âu đối mặt mùa đông khó khăn do thiếu khí đốt từ Nga. Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan và Ba Lan cũng bị cắt nguồn cung khí đốt, trong khi các quốc gia khác chứng kiến nguồn cung giảm mạnh. Tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra kế hoạch khẩn cấp nhằm kêu gọi các nước thành viên giảm sử dụng 15% nhu cầu khí đốt cho đến tháng 3/2023. Trước khi leo thang căng thẳng vì chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại miền đông Ukraine, Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt tiêu thụ tại EU.

Châu Âu đối mặt nguồn cung năng lượng tiếp tục giảm ảnh 1

Đức đang tìm kiếm các nguồn cung năng lượng thay thế Nga. Ảnh: AP

Tìm kiếm nguồn cung và chuyển đổi năng lượng

Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, Thủ tướng CH Czech Petr Fiala đã yêu cầu các đại sứ và đại diện ngoại giao của nước này tìm kiếm mọi khả năng trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm cả nguồn cung và các khoản đầu tư về chuyển đổi năng lượng. Phát biểu ý kiến với các đại sứ và đại diện ngoại giao của Czech, Thủ tướng Fiala nêu cụ thể Czech muốn tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên liệu thô, các khoản đầu tư tiềm năng vào lĩnh vực chuyển đổi ngành năng lượng của Czech hoặc nghiên cứu các nguồn năng lượng mới. Ông nhấn mạnh năng lượng là vấn đề then chốt và đòi hỏi các giải pháp trên quy mô toàn châu Âu.

Trong dự báo kinh tế mới công bố, Bộ Tài chính Czech đề cập nguy cơ nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu bị cắt hoàn toàn, coi việc bảo đảm đủ khí đốt cho các hộ gia đình cũng như các doanh nghiệp là một trong những thách thức hàng đầu đối với nền kinh tế quốc gia. Trước đó, Bộ trưởng Công thương Czech Jozef Sikela cảnh báo nước này có thể rơi vào tình trạng thiếu khí đốt, đồng thời để ngỏ khả năng ngay cả những khách hàng được bảo vệ như hộ gia đình cũng sẽ bị hạn chế sử dụng.

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt năng lượng, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thực hiện chuyến thăm Canada ba ngày gặp người đồng cấp Justin Trudeau, thảo luận về việc tìm kiếm các giải pháp năng lượng ngắn hạn bằng khí đốt cũng như thăm dò các nguồn năng lượng sạch hơn về lâu dài như hydro xanh. Mặc dù là nước sản xuất lớn về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), song Canada chưa thể đưa ra giải pháp cho tình trạng thiếu hụt năng lượng của Đức trong mùa đông tới, do nước này chưa có hệ thống cơ sở hạ tầng cho việc vận chuyển. Tuy nhiên, ông Trudeau khẳng định Canada sẵn sàng dỡ bỏ các rào cản pháp lý để có thể xuất khẩu LNG trực tiếp sang châu Âu.

Những lo ngại về nguồn cung khí đốt đang trở thành nguyên nhân gây căng thẳng giữa Thụy Sĩ và một số nước láng giềng châu Âu. Dù không thuộc EU song Thụy Sĩ vẫn liên kết chặt chẽ với mạng lưới khí đốt châu Âu. Chính phủ Thụy Sĩ hiện đàm phán với Đức và Italy để tìm kiếm một thỏa thuận đoàn kết trong trường hợp thiếu khí đốt.