Ngành chăn nuôi và triển vọng khởi sắc sau 3 năm dịch bệnh

NDO - Bài toán chi phí đã luôn là gánh nặng đối với ngành chăn nuôi nước ta, đặc biệt là kể từ sau đại dịch Covid-19. Giá nguyên liệu nhập khẩu tăng phi mã đã đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi trong gần 3 năm qua. Tuy nhiên, diễn biến thị trường nông sản thế giới gần đây đang mang lại những tín hiệu khả quan hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2023, Việt Nam nhập khẩu gần 368 triệu USD giá trị thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng hơn 33,4% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khối lượng nhập khẩu lúa mì và ngô đều tăng mạnh và lần lượt cao hơn 55,6% và 25,8% so với năm 2022. Ngành chăn nuôi nước ta vẫn đang phải phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, giá lúa mì Chicago lao dốc mạnh và đã quay trở lại mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021. Giá ngô cũng đang ở trong đà giảm mạnh hơn 1 tháng qua và đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/3 ở mức 249 USD/tấn. Khác với những đợt hạ nhiệt trước đó, bối cảnh nguồn cung hiện tại là cơ sở vững chắc cho xu hướng giảm giá của các mặt hàng nông sản và là tín hiệu cho khởi đầu mới của ngành chăn nuôi.

Ngành chăn nuôi và triển vọng khởi sắc sau 3 năm dịch bệnh ảnh 1

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen tiếp tục được gia hạn

Căng thẳng chính trị ở Biển Đen từng là nguyên nhân đóng góp vào đà tăng của giá nông sản trong nửa đầu năm ngoái. Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc giữa Nga và Ukraine được thiết lập đã nối lại con đường vận chuyển nông sản từ Biển Đen ra thị trường quốc tế. Bất chấp những trở ngại khi Nga đưa ra cảnh cáo về khả năng gia hạn, vào ngày 19/3 vừa qua, thỏa thuận trên được thống nhất sẽ kéo dài thêm ít nhất 60 ngày.

Trước khi chiến tranh xảy ra dẫn tới đóng băng con đường vận chuyển, Nga và Ukraine chiếm khoảng 1/3 khối lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu. Theo Liên hợp quốc, cho đến nay, Ukraine đã xuất khẩu gần 25 triệu tấn ngô và lúa mì chủ yếu nhờ thỏa thuận. Những lo ngại về nguồn cung ở Biển Đen gần như được xóa bỏ đã khiến giá lúa mì hiện đã giảm về dưới vùng trước chiến tranh.

Công ty tư vấn nông nghiệp IKAR cho biết, giá FOB đối với lúa mì chứa 12,5% protein từ Biển Đen của Nga đã giảm tới 13 USD/tấn trong tuần vừa rồi, xuống còn 277 USD/tấn. Bên cạnh việc thỏa thuận được gia hạn, lúa mì từ Nga cũng phải chịu sức ép cạnh tranh bởi các nhà cung cấp lớn khác, trong đó có Ukraine.

Ngành chăn nuôi và triển vọng khởi sắc sau 3 năm dịch bệnh ảnh 2

Triển vọng nguồn cung dịch chuyển theo hướng nới lỏng

Mùa vụ ngô ở Argentina và Brazil là 2 yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất tới triển vọng nguồn cung trong giai đoạn này. Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) cuối tuần trước đã hạ dự báo sản lượng ngô niên vụ 2022/23 của Argentina xuống mức 36 triệu tấn, từ mức 37,5 triệu tấn dự báo trước đó. Đây là mức sản lượng ngô thấp nhất của nước này trong vòng 7 năm với năng suất dự kiến là mức thấp nhất kể từ niên vụ 2000/01. Hạn hán chưa từng có tại Argentina đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, tình hình sẽ được cải thiện từ tuần này khi những cơn mưa dự kiến sẽ xuất hiện đều đặn hơn tại các khu vực sản xuất chính của Argentina. Các chuyên gia khí tượng học cho biết sự xuất hiện của những cơn mưa sẽ đánh dấu sự khởi đầu của quá trình bình thường hóa khí hậu ở khu vực Nam Mỹ, khi mà La Nina khiến hạn hán kéo dài từ tháng 5/2022. Với lượng mưa lớn dự kiến sẽ mở rộng trong nửa cuối tháng 3, đây sẽ là tin tốt đối với ngô trồng muộn của Argentina.

Trong khi đó, tại Brazil, hoạt động gieo trồng ngô vụ 2, mặc dù tiến độ chậm trễ nhưng lại đang được ủng hộ bởi thời tiết khá thuận lợi. Tiến độ đã đạt mức 81%, thấp hơn so với mức 94% một năm trước. Tại Brazil, ngô vụ 2 được gieo trồng sau khi đậu tương được thu hoạch và ở cùng khu vực. Loại ngô này chiếm khoảng 75% tổng sản lượng ngô trong một năm nhất định tại quốc gia Nam Mỹ. Nếu như không gặp phải các khung thời tiết cực đoan thì dự kiến sản lượng ngô của Brazil năm nay sẽ đạt mức kỷ lục 125 triệu tấn.

Ngành chăn nuôi và triển vọng khởi sắc sau 3 năm dịch bệnh ảnh 3

Lo ngại về thiệt hại đối với nguồn cung ở Argentina phần nào được xóa đi cũng kéo theo đà giảm của giá do đây là yếu tố hỗ trợ mạnh nhất với thị trường ngô kể từ cuối năm ngoái. Bên cạnh đó, vụ ngô chính phục vụ cho mục đích xuất khẩu của Brazil cũng đang trong giai đoạn phát triển thuận lợi. Theo ông Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, chưa xét tới nhu cầu, triển vọng nguồn cung đang có sự dịch chuyển theo hướng nới lỏng hơn sẽ đẩy giá nông sản tiếp tục mở rộng đà giảm.

Doanh nghiệp chăn nuôi trong nước có thể giảm bớt gánh nặng chi phí

Không chỉ riêng giá nông sản thế giới, sự sụp đổ của hai ngân hàng tại Mỹ cũng gây ra hàng loạt biến động trên các thị trường tài chính từ việc lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ lao dốc đến giá dầu thô giảm mạnh. Lo ngại về nguy cơ suy thoái nền kinh tế cũng sẽ gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực lên nhu cầu nông sản làm nguyên liệu trong ngành chăn nuôi toàn cầu.

Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng mức lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong lần họp này, bước đi được coi là hợp lý và không nằm ngoài dự kiến. Trong tuyên bố sau cuộc họp, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đưa ra tín hiệu cho thấy FED có thể sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn khi cụm từ “tiếp tục tăng lãi suất” đã không còn được sử dụng như trong tuyên bố của các lần họp trước.

Tuy nhiên, FED cũng đưa ra các triển vọng kinh tế kém tích cực hơn, làm dấy lên lo ngại về một cuộc “hạ cánh mềm” sẽ khó có thể xảy ra. Theo Reuters, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo một siêu chu kỳ hàng hóa sắp diễn ra do Trung Quốc thúc đẩy việc nhập khẩu và dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường rủi ro do những lo ngại về sự sụp đổ của các ngân hàng. Điều này đặt ra câu hỏi liệu rằng giá các mặt hàng nông sản có một lần nữa tăng vọt như năm 2020 hay không?

Theo số liệu từ MXV, chỉ trong 1 tuần vừa qua, Trung Quốc cũng đã đẩy mạnh nhập khẩu ngô từ Mỹ khi các đơn bán hàng lớn trong ngày (Daily Export Sales) liên tục được báo cáo bởi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Ông Phạm Quang Anh cho biết, hoạt động mua hàng từ Mỹ của Trung Quốc xuất phát từ lo ngại nguồn cung sẵn có hạn chế trong ngắn hạn. Khác với giai đoạn kinh tế hồi phục sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế hiện đang đứng trước nguy cơ lạm phát, tăng trưởng chậm do lãi suất tăng cao và điều kiện tín dụng thắt chặt. Chính vì thế nên giá nông sản nhiều khả năng sẽ thiếu động lực trở lại đà tăng mạnh như giai đoạn trước. Do đó, các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước có thể sẽ được giảm bớt gánh nặng về chi phí nguyên liệu nhập khẩu ít nhất là cho tới hết quý II năm nay.