Thị trường tài chính trải qua một tuần chao đảo trước cuộc khủng hoảng dây chuyền của ngành ngân hàng thế giới. Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), cũng trong thời gian này, giá bạc tăng 9,54% trước khi giảm trở lại, về 22,43 USD/ounce. Giá bạch kim cũng có diễn biến tương tự, khi đã có lúc giá đã vượt 1000 USD/ounce, trước khi giảm về 976,7 USD/ounce.
Giá kim loại quý đặc biệt nhạy cảm với các biến động vĩ mô
Áp lực tăng lãi suất đến từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến cho đồng USD tăng giá và làm cho giá bạc có chuỗi giảm kéo dài 6 tuần liên tiếp, còn giá bạch kim lao dốc 7 tuần liên tiếp kể từ đầu năm nay.
Tuy nhiên, sự sụp đổ của hai ngân hàng của Mỹ là Silicon Valley Bank và Signature Bank, cùng với những rắc rối tài chính của Ngân hàng Credit Suisse khiến cho dòng tiền tháo chạy khỏi các thị trường đầu tư rủi ro và tìm về với các loại tài sản có vai trò trú ẩn an toàn như bạc và bạch kim.
Bên cạnh đó, những kỳ vọng vào việc Fed sẽ sớm ngừng chu kỳ tăng lãi suất cũng xuất hiện và càng củng cố cho đà hồi phục của các mặt hàng kim loại quý.
Hiện các nhà đầu tư đang rất mong đợi mức điều chỉnh lãi suất mới nhất trong cuộc họp sẽ kết thúc vào rạng sáng 23/2 (theo giờ Việt Nam).
Công cụ theo dõi của CME cho biết có khoảng 89% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức 4,75-5,00%, và mức đỉnh lãi suất của năm nay dự kiến nằm trong khoảng 5,00-5,25%.
Triển vọng ngắn hạn của bạc và bạch kim vẫn xoay quanh những tin tức vĩ mô quốc tế như chính sách tiền tệ của Fed, hay nguy cơ suy thoái trên toàn cầu. Tuy nhiên tác động của những yếu tố này sẽ phai dần và nhường chỗ cho những yếu tố cơ bản về cung cầu.
Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam Phạm Quang Anh
Chỉ số Dollar Index cũng đã giảm về mức thấp nhất trong 1,5 tháng là 103,26 điểm. Nếu đồng bạc xanh tiếp tục suy yếu, đây sẽ yếu tố thu hút dòng tiền vào thị trường bạc và bạch kim bởi chi phí đầu tư và kinh doanh kim loại quý vật chất giảm xuống.
Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, triển vọng ngắn hạn của bạc và bạch kim vẫn xoay quanh những tin tức vĩ mô quốc tế như chính sách tiền tệ của Fed, hay nguy cơ suy thoái trên toàn cầu. Tuy nhiên tác động của những yếu tố này sẽ phai dần và nhường chỗ cho những yếu tố cơ bản về cung cầu.
Triển vọng dài hạn gửi gắm vào ngành năng lượng xanh
Bên cạnh vai trò trú ẩn và phòng chống lạm phát, bạc và bạch kim còn được biết đến là hai nguyên liệu rất quan trọng trong sản xuất công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng xanh.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, đến năm 2025, những nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và điện hạt nhân sẽ đáp ứng hơn 90 % nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu. Trong đó, năng lượng mặt trời sẽ chiếm hơn một nửa công suất phát điện ở Mỹ vào năm 2023.
Bạc hiện là kim loại then chốt để sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời. Theo World Silver Institute, ngay cả khi nhu cầu bạc giảm nhẹ từ 1,24 tỷ ounce về 1,15 tỷ ounce, nguồn cung vẫn không đủ để đáp ứng mức tiêu thụ. Thị trường bạc có thể sẽ ở trong trạng thái thâm hụt năm thứ ba liên tiếp, với mức thiếu hụt lên tới 119 triệu ounce trong năm 2023.
Việt Nam cũng là nước rất chú trọng và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, tỷ trọng điện gió và điện mặt trời tăng mạnh từ năm 2030-2050. Cụ thể, quy mô điện mặt trời tập trung sẽ đạt 8.736 MW trong năm 2030 và lên tới 136.323 MW trong năm 2025.
Đối với bạch kim, động lực tăng trưởng nằm nhiều hơn ở phía nguồn cung, khi mà mức thâm hụt có thể lên tới 556.000 ounce trong năm nay. Những gián đoạn về nguồn cung ngày càng gia tăng khi sản lượng của nhà sản xuất số một thế giới, Nam Phi, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng mất điện.
Hội đồng Đầu tư Bạch kim thế giới (WPIC) ước tính sản lượng khai thác của quốc gia này giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, nguồn cung của Nga sụt giảm do ảnh hưởng của những biến động địa chính trị cũng làm gia tăng sức ép lên cán cân cung cầu.
Nhu cầu tiêu thụ bạch kim trong lĩnh vực sản xuất ô-tô dự kiến cũng sẽ tăng lên khi mà các tiêu chuẩn về khí thải được thắt chặt, dẫn đến khối lượng bạch kim cần sử dụng để sản xuất trên mỗi xe cũng cao hơn. Đối với ngành xe điện, doanh số bán xe được dự báo sẽ tăng lên 9 triệu chiếc trong năm 2023, và trực tiếp là yếu tố thúc đẩy tiêu thụ với cả hai mặt hàng kim loại quý.
Cũng theo ông Phạm Quang Anh, thị trường bạc và bạch kim đều có điểm sáng riêng, khiến cho giá của hai mặt hàng những lúc không đi cùng chiều. Với động lực chung là triển vọng của lĩnh vực năng lượng xanh, cả bạc và bạch kim đều là điểm sáng với tư cách là một sản phẩm đầu tư, nhưng nếu giá của các mặt hàng kim loại này tăng quá mạnh, người sản xuất và cuối cùng là người tiêu dùng sẽ phải chịu áp lực san sẻ chi phí này.