Giá hàng hóa nguyên liệu diễn biến phân hóa

NDO - Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu tiếp tục đóng cửa ngày giao dịch hôm qua (22/3) với diễn biến giá phân hóa. Lực mua và bán tương đối cân bằng khiến sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá và chỉ số MXV-Index chốt phiên nhích nhẹ lên mức 2.227 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng hơn 5%, đạt gần 5.600 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Giá hàng hóa nguyên liệu diễn biến phân hóa ảnh 1

Kim loại quý phát huy vai trò trú ẩn

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/3, ngoại trừ quặng sắt, tất cả các mặt hàng còn lại trong nhóm đều kết thúc trong sắc xanh. Tâm điểm của thị trường hướng về cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào đêm qua, sau những rủi ro hệ thống ngân hàng gây ra biến động mạnh trên thị trường trước đó. Kim loại quý đang phát huy vai trò trú ẩn, khi bạc và bạch kim ghi nhận mức tăng lần lượt là 1,61% lên 22,78 USD/ounce và 1,05% lên 987 USD/ounce.

FED đã ban hành mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp đêm qua, nhưng đã bày tỏ sự thận trọng về cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây. Điều đó khiến phần lớn các quan chức FED chỉ mong đợi 1 đợt tăng lãi suất nữa, đưa mức đỉnh lãi suất lên trung bình 5,1%. Tuy nhiên, FED đang đưa ra các triển vọng kinh tế kém tích cực hơn, làm dấy lên lo ngại về một cuộc “hạ cánh mềm” sẽ khó có thể xảy ra. Kỳ vọng lạm phát tăng nhẹ, với tỷ lệ 3,3% được ấn định cho năm nay, so với 3,1% trong tháng 12.

Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 4,5%, trong khi triển vọng tăng trưởng GDP năm 2023 giảm xuống 0,4% từ mức 0,5% trong dự báo trước, và đạt 1,2% trong năm 2024, con số này cũng thấp hơn dự báo trước đó ở mức 1,6%. Lãi suất tăng cao, điều kiện tín dụng thắt chặt và kỳ vọng tăng trưởng chậm hơn khiến tâm lý nhà đầu tư ưa thích các tài sản trú ẩn an toàn.

Dòng tiền tháo chạy khỏi thị trường rủi ro như chứng khoán trong phiên hôm qua và các khoản đầu tư vào trái phiếu kho bạc, kim loại quý bao gồm bạc và bạch kim được hưởng lợi với vai trò là kênh trú ẩn trong thời kỳ thị trường gặp biến động. Đồng USD cũng suy yếu nhẹ khi FED phát đi tín hiệu đà tăng lãi suất có thể sớm dừng lại, điều này cũng đã hỗ trợ cho giá bạc và bạch kim do chi phí nắm giữ bớt đắt đỏ hơn.

Giá hàng hóa nguyên liệu diễn biến phân hóa ảnh 2

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX đã có phiên tăng thứ 5 liên tiếp sau khi tăng 1,26% lên mức 4,04 USD/pound trong ngày hôm qua. Đà tăng liên tục được thúc đẩy trong hơn nửa đầu phiên và đã có thời điểm giá chạm mốc 4,1 USD/pound. Hàng tồn kho trên các Sở Giao dịch tiếp tục giảm, làm gia tăng lo ngại về nguồn cung thắt chặt và hỗ trợ cho giá. Tồn kho đồng trên Sở LME đà giảm xuống 38.375 tấn từ mức 77,000 tấn vào hồi đầu năm. Tồn kho đồng trên Sở COMEX hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2014, đạt khoảng 14.600 tấn, trong khi tồn kho đồng trên sở Thượng Hải duy trì xu hướng giảm kể từ đầu tháng 3.

Đà tăng được thúc đẩy mạnh hơn ngay sau khi các quan chức FED cho thấy có thể sẽ chỉ còn 1 đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay. Tuy nhiên, những dự báo tiêu cực hơn về nền kinh tế, với lạm phát kỳ vọng cao hơn, tăng trưởng chậm hơn và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, đã gây áp lực tới giá đồng vào cuối phiên. Đồng được đánh giá có vai trò như một thước đo sức khỏe của nền kinh tế.

Quặng sắt là mặt hàng duy nhất trong nhóm kết phiên với mức giảm 2,61% xuống còn 120,27 USD/tấn. Trung Quốc đang xem xét cắt giảm sản lượng thép thô khoảng 2,5% trong năm nay khi tiếp tục mở rộng chính sách hạn chế khí thải. Điều này khiến kỳ vọng tiêu thụ quặng sắt cho việc luyện thép cũng suy yếu và gây áp lực đến giá trong phiên.

Giá cà-phê quay đầu giảm

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/3, bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp ghi nhận sự phân hóa giữa sắc xanh và đỏ. Cà-phê đảo chiều giảm sau 2 phiên tăng liên tiếp, dù cho Dollar Index vẫn nối dài chuỗi giảm.

Cà-phê Arabica đã có sự điều chỉnh giảm trong phiên hôm qua, đóng cửa giá giảm 1,28% so với mức tham chiếu. Đồng Real suy yếu trước khi Ngân hàng Trung ương Brazil giữ nguyên mức lãi suất hiện tại và FED tăng thêm 25 điểm cơ bản, kéo theo tỷ giá USD/Brazil Real tăng, thúc đẩy nhu cầu bán hàng của nông dân nước này do chênh lệch tỷ giá.

Tuy vậy, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE New York vẫn tiếp tục suy yếu nhẹ khi giảm thêm gần 400 bao, đưa tồn kho sau khi giảm 3 phiên liên tiếp về mức 775.488 bao, là yếu tố tiềm ẩn khả năng hạn chế mức giảm của giá.

Dưới sức ép từ Arabica, Robusta cũng ghi nhận mức giảm gần 1%. Nguồn cung tiếp tục được nới lỏng với số liệu xuất khẩu tăng 6% trong tháng 2 tại Uganda, nước sản xuất mặt hàng này lớn. Cùng với đó, tồn kho Robusta trên Sở ICE London đã bật tăng trở lại 96.970 tấn, đánh bay sự suy yếu nhẹ trước đó và đưa lượng dự trữ lên mức cao nhất trong hơn 3 tháng, cũng góp phần gây sức ép lên giá trong phiên hôm qua.

Giá hàng hóa nguyên liệu diễn biến phân hóa ảnh 3

Đường thô tiếp tục tăng mạnh 1,63% và là phiên tăng thứ 2 liên tiếp của mặt hàng này. Thị trường tiếp tục lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung khi các chuyên gia nhận định chính phủ Ấn Độ khó có thể gia tăng hạn ngạch xuất khẩu lần 2 khi mà sản lượng dự kiến sụt giảm do các nhà máy sản xuất đường đóng cửa sớm. Bên cạnh đó, dầu thô tiếp tục hồi phục khi thị trường tài chính dần ổn định, đã kéo theo giá đường 11 tiếp tục tăng trong phiên hôm qua.

Trong khi đó, giá dầu cọ ghi nhận phiên suy yếu thứ tư liên tiếp và đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ giữa tháng 10/2022. Các nhà phân tích thị trường cho biết, mặc dù các yếu tố cơ bản hiện tại vẫn mang tính hỗ trợ, tuy nhiên giá dầu cọ vẫn đang chịu áp lực bán từ tâm lý lo ngại của thị trường về nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là quyết định của FED về việc tăng lãi suất trong cuộc họp đang diễn ra. Theo Công ty SGS, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ trong 20 ngày đầu tháng 3 của Malaysia đạt 929.274 tấn, cao hơn so mức 712.740 tấn cùng kỳ tháng trước.

Giá cà-phê nội địa điều chỉnh giảm nhẹ

Cùng chung xu hướng giá thế giới, ghi nhận trong sáng nay, giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng đồng loạt quay đầu giảm nhẹ 100 đồng/kg sau chuỗi tăng giá trước đó. Như vậy, giá cà-phê nội địa được thu mua trong khoảng giá 46.900-47.300 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 46.900 đồng/kg sau điều chỉnh. Cùng thời điểm, giá cà-phê tại tỉnh Đắk Lắk ở mức 47.300 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương khảo sát.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 15 ngày đầu tháng 03, cả nước đã xuất khẩu 91 nghìn tấn cà-phê các loại, thu về kim ngạch 206,5 triệu USD.