Ngân hàng Chính sách xã hội Ninh Thuận góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo

NDO - Ngày 9/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002 ngày 4/10/2002 của Chính phủ.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Ninh Thuận có 6 huyện và 1 thành phố với 65 xã, phường, thị trấn. Dân số 181.788 hộ/gần 723 nghìn khẩu với 33 dân tộc sinh sống. Trong đó dân tộc Kinh chiếm khoảng 75,6%, số còn lại là dân tộc thiểu số Chăm, Raglai và các dân tộc khác.

Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 là 14.255 hộ, chiếm 7,84%; hộ cận nghèo là 12.954 hộ, chiếm 7,13%. GRDP bình quân năm 2021 khoảng 68,4 triệu đồng/người/năm.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, khi mới thành lập, nguồn vốn nhận bàn giao ban đầu hơn 79 tỷ đồng, đến tháng 7/2022 đã thực hiện ủy thác 18 chương trình tín dụng chính sách, dư nợ ủy thác qua 4 hội đoàn thể hơn 2.780 tỷ đồng (chỉ lấy số tròn), chiếm 99,2% tổng dư nợ (gấp 35,5 lần so lúc nhận bàn giao ban đầu); thành lập 1.590 Tổ tiết kiệm và vay vốn; 65 điểm giao dịch/65 xã, phường, thị trấn hoạt động giao dịch với khách hàng. Tỷ lệ giao dịch thu nợ gốc đạt gần 87%; giao dịch thu lãi đạt hơn 98%.

Ngân hàng Chính sách xã hội Ninh Thuận góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo ảnh 1

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận giao dịch với khách hàng đến làm thủ tục vay vốn tại đơn vị.

Trong 20 năm, tín dụng chính sách đã giúp 472.185 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, giúp 63.279 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho 26 nghìn lao động vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm, 66.162 học sinh, sinh viên vay vốn học tập, 69.197 lượt hộ vay vốn để xây dựng 87.076 công trình nước sạch và công trình nhà vệ sinh, 8.035 hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở...

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2021-2030, đề nghị Thủ tướng Chính phủ nâng mức cho vay tối đa không phải bảo đảm tài sản của chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn lên 100 triệu đồng/hộ và có chính sách kéo dài thời gian thụ hưởng chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi của các xã vùng khó khăn đã đạt chuẩn nông thôn mới thêm 3 năm (kể từ khi được công nhận); nâng mức cho vay tối đa chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn lên mức 20 triệu đồng/công trình.

Có chính sách cho vay đối với hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình. Có cơ chế chi phụ cấp cho trưởng thôn, khu phố trong việc tham gia tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại địa phương.

Đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương có cơ chế giao chỉ tiêu tăng trưởng cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm hằng năm gấp 2 lần mức vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đối với những tỉnh thu ngân sách còn nhiều khó khăn.

Dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tặng Bằng khen cho 15 tập thể và 15 cá nhân đã có thành tích xuất sắc, trong 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002 ngày 4/10/2002 của Chính phủ.