Giải pháp giảm nghèo đa chiều cho Việt Nam

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê phối hợp Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) vừa công bố Báo cáo nghèo đa chiều Việt Nam năm 2021 với chủ đề "Thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững theo mọi chiều cạnh và mọi nơi ở Việt Nam". Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam trò chuyện cùng Báo Nhân Dân cuối tuần chung quanh vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Caitlin Wiesen (thứ hai, từ phải sang) nhìn nhận, Việt Nam đã thật sự đi đầu trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Bà Caitlin Wiesen (thứ hai, từ phải sang) nhìn nhận, Việt Nam đã thật sự đi đầu trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

- Trước tiên, từ kết quả của những nghiên cứu gần đây và kinh nghiệm công tác, xin bà cho biết đánh giá về thực trạng giảm nghèo đa chiều ở Việt Nam thời gian qua?

- Phải nói ngay rằng, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác giảm nghèo. Tình trạng nghèo cùng cực (thu nhập dưới 1,9 USD/người/ngày) đã giảm mạnh từ 49,2% năm 1992 xuống 5,2% năm 2020, và 9,35% năm 2022 với chuẩn nghèo đa chiều mới (xếp vị trí 29/102 nước trong Báo cáo Phát triển con người của UNDP về chỉ số nghèo đa chiều).

Việt Nam cũng đã nâng chuẩn nghèo đa chiều cho giai đoạn 2021-2025, chiều về giúp thu nhập tăng gấp đôi, cũng như giúp hơn 10 triệu người đủ điều kiện thụ hưởng các chính sách và chương trình hỗ trợ nghèo đa chiều của Chính phủ. Đây là các giải pháp quan trọng và kịp thời trong bối cảnh dịch Covid-19 đã đẩy rất nhiều hộ gia đình dễ bị tổn thương trở lại tình trạng nghèo đói. Chuẩn nghèo đa chiều mới giúp đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người dân trong giai đoạn phát triển mới của Việt Nam để tiến tới trở thành một nước có thu nhập trung bình cao. Theo quan sát của chúng tôi, Chính phủ Việt Nam đang tập trung vào đo lường đầu ra và kết quả, hơn là đầu vào khi đánh giá mức sống của người dân.

- Bà có thể làm rõ thêm những cách thức Việt Nam đang triển khai nhằm giữ được những thành tựu giảm nghèo như tạo việc làm năng suất cao, cải thiện các dịch vụ xã hội và mở rộng hệ thống bảo trợ xã hội?

- Tỷ lệ lao động làm công ăn lương có việc làm năng suất cao tăng nhanh trong thập niên qua từ 65,2% năm 2010, 80,2% năm 2014, và gần 90,7% năm 2020. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận việc làm năng suất cao bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Khảo sát lực lượng lao động cho thấy sự sụt giảm của việc làm năng suất cao trong lực lượng lao động năm 2020-2021. Trong tương lai, không chỉ cần tăng trưởng năng suất mà còn phải tăng khả năng chống chịu tốt hơn trước các cú sốc kinh tế.

Thêm nữa, mặc dù chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đã tăng tốc trong những năm gần đây, bất bình đẳng trong tiếp cận công nghệ và thiết bị giáo dục vẫn là một thách thức lớn. Cùng đó, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế đã được cải thiện nhưng vẫn còn chênh lệch. Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, 91% dân số đã tiếp cận được với bảo hiểm y tế vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, dịch vụ khám và chữa bệnh được bảo hiểm y tế chi trả vẫn chưa đạt được như mong đợi của người bệnh, đặc biệt là ở tuyến cơ sở. Những năm gần đây, hệ thống bảo trợ xã hội đã có nhiều thay đổi đáng kể theo hướng mở rộng diện bao phủ và nâng cao chất lượng.

- Theo Báo cáo của UNDP, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong giảm nghèo đa chiều. Tuy nhiên, tính dễ bị tổn thương và sự chênh lệch vùng miền vẫn là những thách thức dai dẳng. Bà nhìn nhận vấn đề này ra sao?

- Tình trạng nghèo tạm thời về thu nhập đã tăng đáng kể trong giai đoạn dịch Covid-19, đặc biệt trong các nhóm dân tộc thiểu số và lao động di cư. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những nhóm dễ bị tổn thương nhất tiếp tục phải chịu đựng những tác động từ dịch Covid-19. Việc làm và thu nhập bị mất hoặc giảm sút, tiền tiết kiệm và tài sản dần cạn kiệt, an ninh lương thực là thực tế nhiều người phải đối diện,... Gói an sinh xã hội gần đây nhất đã kịp thời hỗ trợ những người bị mất thu nhập và bị ảnh hưởng từ các biện pháp giãn cách xã hội và y tế. Tuy nhiên, nhiều yếu tố đã làm giảm tác động của gói cứu trợ, bao gồm quy mô không đủ để giải quyết các nhu cầu leo thang nhanh chóng, hạn chế nghiêm trọng trong việc xác định mục tiêu và phạm vi tiếp cận, việc giải ngân trên thực tế thấp do các thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà.

- Bà có thể gợi mở những đề xuất nhằm hoàn thiện hơn nữa các Chương trình mục tiêu quốc gia: Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Nông thôn mới và Giảm nghèo của Việt Nam?

- Tình trạng nghèo đói vẫn còn phổ biến và giảm chậm ở các vùng miền núi, dân tộc thiểu số, ven biển và hải đảo. Các hộ dân tộc thiểu số có ít cơ hội tham gia và hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế chung của đất nước, hạn chế tiếp cận với các dịch vụ công có chất lượng tốt, như y tế, nước sạch và vệ sinh. Các Chương trình mục tiêu quốc gia đòi hỏi phải có các giải pháp sáng tạo, đội ngũ cán bộ được tăng cường năng lực, cơ chế phối hợp nhất quán, và sự tham gia hiệu quả của chính quyền địa phương và các bên liên quan cần được chú trọng hơn.

Theo tôi, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung cải thiện mức độ việc làm năng suất cao; cải thiện việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; mở rộng bảo trợ xã hội và thúc đẩy các giải pháp sáng tạo để tăng khả năng thành công của các chương trình thí điểm,... Đây là những vấn đề quan trọng để nắm bắt những cơ hội mới và bảo đảm hỗ trợ tốt nhất giúp người dân phục hồi tốt hơn khi đối mặt những cú sốc. Chương trình quốc gia mới của UNDP phù hợp những kế hoạch và ưu tiên quốc gia, trong khung Nghị sự 2030, lồng ghép và đẩy mạnh các giải pháp chấm dứt nghèo dai dẳng, vì một Việt Nam công bằng và phát triển hơn.

- Trân trọng cảm ơn bà!