Theo báo cáo của Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), tình hình sử dụng thuốc lá mới, nhất là thuốc lá điện tử đang gia tăng nhanh chóng. Chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh (13 đến 15 tuổi) đã tăng từ 3,5% (năm 2022) lên 8% (năm 2023). Ở người trên 15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm tuổi trẻ từ 15 đến 24 tuổi với tỷ lệ là 7,3%; nhóm tuổi 25 đến 44 tuổi với tỷ lệ là 3,2%; nhóm tuổi 45 đến 64 tuổi là 1,4%.
Tại hội thảo "Phòng chống tác hại của thuốc lá mới: bằng chứng khoa học và kinh nghiệm tại Việt Nam và trên thế giới" được tổ chức mới đây, GS.TS Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Y tế công cộng cho biết: một nghiên cứu mẫu ngẫu nhiên do ông và cộng sự thực hiện trong giai đoạn tháng 10 - 12/2023 trên 3.801 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tại 11 tỉnh, thành phố cho thấy có 14% số học sinh được hỏi đã từng sử dụng thử thuốc lá điện tử và 7% hiện đang sử dụng trong 30 ngày qua. Tỷ lệ này đối với thuốc lá nung nóng là 1,8% đã từng sử dụng và 1% hiện đang sử dụng.
Mức độ sử dụng thuốc lá mới trong giới trẻ Việt Nam đang ở mức cao, đặc biệt khi so sánh với các chỉ số về sử dụng thuốc lá truyền thống. Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong khoảng 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ.
GS.TS Hoàng Văn Minh đánh giá, đây là xu hướng đáng lo ngại, vì nó có thể đảo ngược những nỗ lực kiểm soát việc sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên đã được triển khai quyết liệt trong nhiều năm qua. Đặc biệt, việc các chỉ số cao ở cả nhóm người dùng thử và nhóm đang dùng thuốc lá mới thậm chí có thể dẫn đến sự gia tăng về tỷ lệ sử dụng thuốc lá truyền thống trong tương lai. Đáng chú ý, nghiện chất nicotine dần hình thành trong quá trình sử dụng thuốc lá điện tử có thể dẫn đến sự "chuyển tiếp" sang các sản phẩm thuốc lá truyền thống.
GS.TS Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Y tế công cộng báo cáo về kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá mới ở thanh thiếu niên. |
Kết quả từ khảo sát của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy, nhiều học sinh vẫn còn những hiểu lầm sai lệch về tác hại của các loại thuốc lá mới này, khi tin rằng chúng an toàn hoặc ít gây hại hơn so với thuốc lá truyền thống. 23,5% học sinh không nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn của thuốc lá điện tử và con số này còn cao hơn đối với thuốc lá nung nóng (43,2%). Điều này đã dẫn đến việc nhiều học sinh sẵn sàng trải nghiệm và sử dụng các sản phẩm này mà không hề lường trước được những tác hại đi kèm.
Trong khi đó, các tập đoàn sản xuất thuốc lá thường truyền thông là các công ty có trách nhiệm với cộng đồng, nhưng thay vì khuyên mọi người bỏ thuốc thì họ thường xuyên đưa ra thông điệp để khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn hoặc dùng loại thuốc lá thông thường hay dùng thuốc lá mới. Thậm chí họ truyền thông rằng, thuốc lá mới giảm tác hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường; thuốc lá mới giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường…
Nhưng thực tế, tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe. Thuốc lá mới đều chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe đặc biệt là sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh thiếu niên; có các hóa chất độc hại và gây ung thư. Khói thuốc lá điện tử có chứa các chất độc hại gồm aceton, acrolein, formaldehyde, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, hydrocacbon thơm đa vòng, nitrosamine đặc trưng của thuốc lá, và kim loại (chì, crom, niken…).
Trên thế giới, nhiều trường hợp tổn thương phổi cấp tính và nghiêm trọng do thuốc lá điện tử đã được báo cáo, trong đó có hàng chục ca tử vong. Tại Việt Nam, năm 2022 và 2023, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận gần 130 trường hợp nhập viện bị ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy, trong hai năm 2023 và 2024 cũng đã có khá nhiều ca nhập viện do sử dụng thuốc lá thế hệ mới với các triệu chứng: dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.
Điều đó đặt ra cho các ngành chức năng cần có những giải pháp phù hợp từng bước giảm tỷ lệ người hút thuốc lá tại Việt Nam, trong đó có việc ngăn chặn sự gia tăng tỷ lệ người hút thuốc lá mới trong giới trẻ.