Y tế

Cần làm rõ tác hại của thuốc lá thế hệ mới dựa trên bằng chứng khoa học

Hiện nay, sản phẩm thuốc lá trên thị trường không chỉ có thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lào... Với sự xuất hiện của thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá nung nóng - hay còn gọi là thuốc lá làm nóng (TLLN), thuốc lá điện tử, nhiều chuyên gia cho rằng, cần đánh giá đầy đủ, khách quan về ảnh hưởng của thuốc lá thế hệ mới đối với sức khỏe con người, từ đó định hướng cho người tiêu dùng và xác định phương án quản lý phù hợp.
0:00 / 0:00
0:00
Thời gian qua, nhiều diễn đàn liên quan quản lý thuốc lá thế hệ mới đã được tổ chức.
Thời gian qua, nhiều diễn đàn liên quan quản lý thuốc lá thế hệ mới đã được tổ chức.

Chưa có hành lang pháp lý cho thuốc lá làm nóng

Nhiều năm qua, TLLN, thuốc lá điện tử đã lưu hành rộng rãi tại Việt Nam trên thị trường tự do với tên gọi chung là thuốc lá thế hệ mới. Với thuốc lá điếu, người hút dùng bật lửa để đốt cháy đầu điếu thuốc và rít khói từ đầu lọc. Với TLLN, người hút dùng thiết bị điện tử (còn gọi là tẩu) để làm nóng điếu thuốc đặc chế bằng công nghệ điện từ SmartCore. Điếu thuốc này chỉ được làm nóng đến mức nhiệt độ vừa đủ giải phóng nicotine. Bộ thiết bị và điếu thuốc lá đặc chế này được gọi chung là TLLN. Do đó, tên gọi “TLLN” gồm hai yếu tố: Thứ nhất, sản phẩm sử dụng toàn bộ nguyên liệu thuốc lá. Thứ hai, nguyên liệu thuốc lá được làm nóng bằng thiết bị điện, thay vì bị đốt cháy bằng lửa.

Tại Việt Nam, hiện chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho TLLN và các sản phẩm thuốc lá mới khác, cho nên vấn đề quản lý hay cấm các sản phẩm này vẫn được các bộ, ban, ngành thảo luận trong suốt nhiều năm qua.

Cung cấp dẫn chứng về TLLN đã được thế giới khuyến cáo quản lý, ông Lê Thành Hưng - Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng nông nghiệp thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, năm 2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát hành bản thông tin về TLLN, trong đó khẳng định TLLN có chứa thuốc lá và chính là sản phẩm thuốc lá. Cũng trong văn bản này nêu rõ TLLN cần được quản lý như thuốc lá. “Tôi nghĩ, quan điểm này cần được làm rõ ở Việt Nam để tránh những hiểu lầm đáng tiếc hay cực đoan” - ông Lê Thành Hưng nói.

Ông cũng cho biết thêm, vào tháng 5/2024, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã nghiên cứu, ban hành 4 tiêu chuẩn ISO liên quan sản phẩm TLLN, bao gồm tiêu chuẩn ISO 6080:2024 về thuật ngữ và định nghĩa đối với TLLN và bộ tiêu chuẩn ISO 5501 gồm 3 phần đề cập về điều kiện chuẩn để tạo và thu thập sol khí (aerosol) của các dạng TLLN khác nhau. Trong Tiêu chuẩn ISO 6080:2024 định nghĩa TLLN là sản phẩm có chất nền là thuốc lá, được thiết kế để được làm nóng mà không bị đốt cháy để tạo ra sol khí chứa nicotin. Tiêu chuẩn này cũng nêu rõ, các sản phẩm TLLN không phải là thuốc lá điếu truyền thống hay dạng sản phẩm khác như thuốc lá điện tử.

Cần tiếp cận cơ sở khoa học về thuốc lá làm nóng

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc hiện có nhiều luồng ý kiến khác nhau về TLLN là do cơ quan quản lý chưa tiếp cận đầy đủ cơ sở khoa học để làm rõ ảnh hưởng của TLLN đối với sức khỏe con người. Mới đây, ngày 13/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 47/CĐ-TTg về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, TLLN. Trong đó, công điện cho biết, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá bước đầu đạt được các kết quả đáng khích lệ, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường đã giảm trung bình 0,5% mỗi năm trong nam giới. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xuất hiện các sản phẩm thuốc lá điện tử, TLLN và việc sử dụng các sản phẩm này có nhiều diễn biến phức tạp, tỷ lệ sử dụng có xu hướng gia tăng nhanh và trẻ hóa trong cộng đồng. Theo đó, để tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, TLLN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, TLLN đối với đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý. Đặc biệt, Công điện yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, TLLN.

Để có giải pháp quản lý, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Y tế cần thực hiện báo cáo đánh giá khoa học toàn diện, đầy đủ về TLLN, thuốc lá điện tử trước khi đưa ra quyết định đối với các sản phẩm này. PGS,TS,BS Trần Khánh Toàn, Giảng viên cao cấp Bộ môn Y học Gia đình, Trường đại học Y Hà Nội đề xuất: “Tốt nhất là việc xây dựng chính sách phải dựa trên các bằng chứng khoa học. Tuy nhiên, trong trường hợp của TLLN, do những hạn chế nhất định về nguồn lực và thời gian, việc chờ đợi kết quả các nghiên cứu được thực hiện ở Việt Nam, trên người Việt Nam là không khả thi. Do đó, chúng ta cần tận dụng có chọn lọc các bằng chứng từ các nghiên cứu đã có trên thế giới cũng như khuyến cáo của các tổ chức quốc tế uy tín và bài học kinh nghiệm của các nước để lựa chọn cách thức ứng xử phù hợp với TLLN”.

Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu quan điểm: TLLN được nhiều nước trên thế giới xác định là thuốc lá, có quốc gia lại xác định là sản phẩm được hình thành qua quá trình phát triển của khoa học, công nghệ. Có nước cho rằng, TLLN có điểm lợi nếu được quản lý dưới góc độ là sản phẩm để giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe so với thuốc lá truyền thống. Chúng ta cần bảo đảm hài hòa các yếu tố như quyền lợi người tiêu dùng, phát triển thị trường, hội nhập quốc tế và sản xuất mặt hàng này. Việc cấm tuyệt đối, hạn chế, hay quản lý có định hướng thì cần dựa trên cơ sở lấy người tiêu dùng làm trung tâm, bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng, bảo đảm nguồn thu của Nhà nước. Đây không phải là vấn đề xu hướng tiêu dùng nữa mà là vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, cho nên các bộ, ngành cần sớm có quan điểm dứt khoát về quản lý TLLN.

Việc nhanh chóng đưa TLLN vào quản lý cũng nhằm hạn chế sự mất kiểm soát của thị trường buôn lậu, gây phát sinh nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng và cộng đồng. Hiện nay, dù chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh nhưng TLLN và các sản phẩm thuốc lá mới khác vẫn được công khai buôn bán trên thị trường từ nguồn hàng xách tay, nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ.