Ngày 25/5, Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống tác hại của các sản phẩm tiêu dùng có hại cho sức khỏe.
Vấn đề y tế khổng lồ hệ lụy từ thuốc lá điện tử
Hiện nay các sản phẩm thuốc lá nung nóng rất đa dạng, trong đó có nhiều sản phẩm lai giữa thuốc lá nung nóng với thuốc lá điện tử, pha trộn, tẩm ướp dung dịch điện tử khiến cho việc kiểm tra và nhận biết khó khăn, như sản phẩm thuốc lá mới sử dụng công nghệ hybrid, không đốt nóng trực tiếp sản phẩm thuốc lá mà kết hợp giữa dung dịch thuốc lá điện tử và nguyên liệu thuốc lá.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thuốc lá điện tử đang làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Người hút nhiều thuốc lá điện tử sẽ giảm khả năng chống vi khuẩn, virus. Người này có thể thay đổi cấu trúc đường hô hấp theo hướng giúp vi khuẩn phế cầu dễ xâm nhập gây viêm phổi.
Tiếp xúc thuốc lá điện tử, khi bị nhiễm Rhinovirus gây bệnh ở người thì tải lượng virus tăng, tình trạng viêm nặng hơn, khả năng đề kháng giảm đi. Đặc biệt, thuốc lá điện tử làm giảm biểu hiện của hơn 300 gene liên quan miễn dịch.
Hệ lụy lâu dài, thuốc lá điện tử có thể gây ra các bệnh về tim mạch, hô hấp… thậm chí là ung thư.
Đặc biệt, thuốc lá điện tử làm phát sinh loạt bệnh/ngộ độc mới nổi, chưa từng có trong y văn. Tại Mỹ đã phát hiện ra bệnh mới là Evali (Tổn thương phổi cấp liên quan thuốc lá điện tử). Bệnh tăng mạnh tháng 8, đạt đỉnh tháng 9/2019. Tới ngày 18/2/2020, Mỹ ghi nhận 2807 ca với 68 ca tử vong được khẳng định liên quan.
Bệnh này gây ra các triệu chứng hô hấp, tiêu hóa, toàn thân. Kết quả xét nghiệm dung dịch hút và dịch đường hô hấp các bệnh nhân cho thấy có vitamin E acetate. “Vitamin E nung nóng trong thuốc lá điện tử tạo thành khí ketene độc. Thử nghiệm trên động vật gây tổn thương giống ở người”, bác sĩ Nguyên cảnh báo.
Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.
Đặc biệt, hiện thế giới chưa có phác đồ chính thức bệnh Evali. 76% bệnh nhân phải thở máy, 22% thở máy không xâm nhập, một số ca phải can thiệp ECMO.
25-85% các ca để lại xơ phổi mức độ khác nhau. Bệnh nhân gặp rối loạn khuếch tán kéo dài tới ít nhất 2 tháng sau khi ra viện. Bệnh nhân có thể gặp tổn thương phổi mạn tính. “Đặc biệt, tại Việt Nam, chúng tôi đã phát hiện có vitamin E trong thuốc là điện tử. Sớm muộn chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với bệnh mới nổi này”, bác sĩ Nguyên cho hay.
Khó xét nghiệm các chất ma túy tổng hợp mới
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, 2 đơn vị hiện nay có khả năng xét nghiệm các loại chất gây nghiện tổng hợp là Viện Pháp y Quốc gia và Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an hiện mới chỉ xét nghiệm hơn 100 chất. Trong khi đó, cần sa có tới vài trăm chất, các đối tượng chỉ cần thay đổi vài công thức hóa học, lại tạo chất mới.
“Chúng ta phải chạy theo các chất mới để xét nghiệm mà cũng không làm xuể”, bác sĩ Nguyên nói.
Do đó, Tiến sĩ Nguyên nhấn mạnh, cần phải cấm thuốc lá điện tử tại Việt Nam vì sẽ mở đầu xu hướng lạm dụng, nghiện, phơi nhiễm các hóa chất tổng hợp của con người không thể kiểm soát, gây ra loạt bệnh tật mới, làm nặng thêm vấn đề thuốc lá truyền thống và phức tạp thêm vấn đề ma túy.
Nếu cho phép thí điểm thuốc lá nung nóng sẽ dẫn đến tình trạng thuốc lá điện tử cũng sẽ thâm nhập vào thị trường Việt Nam dưới mác thuốc lá nung nóng, sử dụng trá hình sẽ rất khó kiểm soát được.
WHO khuyến cáo cấm thuốc lá điện tử
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, trong những năm qua, với những nỗ lực của Bộ Y tế và các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới Việt Nam giảm từ 45,3% xuống 42,3%.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế. |
Với các kết quả như trên, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đã phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ước tính chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015-2020 là 1.277 tỷ đồng/ năm.
Tuy nhiên, những nỗ lực phòng chống tác hại thuốc hại thuốc lá của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ khi có sự xâm nhập của thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) bằng con đường bất hợp pháp từ năm 2015.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho hay, hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam.
"WHO khuyến cáo nên duy trì và tăng cường các quy định luật pháp hiện tại về cấm nhập khẩu và bán để ngăn chặn, hạn chế tiếp cận nhằm ngăn ngừa sự gia tăng tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ. Đồng thời tăng cường thực thi chống buôn lậu, quảng cáo, và bán các sản phẩm này, để giảm thiểu tối đa sự tiếp cận và sử dụng của giới trẻ", bác sĩ Tuấn Lâm nói.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. |
Ông dẫn chứng, việc hợp pháp hóa với các quy định quản lý ở các nước hiện tại đều dẫn tới tình trạng gia tăng nhanh tỷ lệ sử dụng ở giới trẻ. Nếu cân nhắc quản lý thì cần bảo đảm có đủ năng lực về con người và kỹ thuật để đương đầu với các thách thức như đã nêu.
"Nếu quản lý, cần loại trừ tất cả các yếu tố hấp dẫn giới trẻ như hương vị, màu sắc. Cần quản lý hàm lượng nicotine, quản lý việc pha trộn các chất ma túy, quản lý hệ thống phân phối, in cảnh báo, cấm quảng cáo và đánh thuế cao", ông Lâm nhấn mạnh.