Theo báo cáo về công tác bảo đảm an toàn hàng không của Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng năm nay, toàn ngành đã để xảy ra 41 sự cố, trong đó có 1 vụ tai nạn hàng không, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022 (giảm 9 sự cố).
Đặc biệt, ngày 24/6 vừa qua, đã xảy ra một sự cố không lưu nghiêm trọng về vi phạm khoảng cách tối thiểu trong quá trình cất-hạ cánh tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài.
Ngoài ra, thời gian vừa qua cũng ghi nhận nhiều vụ việc liên quan vật ngoại lai tại đường băng làm hỏng lốp máy bay, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác liên tục của máy bay.
Sự cố nhân viên kiểm soát không lưu “ngủ quên”: Kỷ luật, cách chức nhiều cán bộ
Xác định đây là các sự cố hàng không nghiêm trọng, trực tiếp uy hiếp đến an toàn hoạt động bay, nhằm nâng cao chỉ số an toàn và tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra trong hoạt động hàng không dân dụng, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương điều tra, xác định rõ nguyên nhân, phân loại sự cố theo quy định.
Trên cơ sở kết luận điều tra, Cục cần đưa ra các khuyến cáo an toàn cho các đơn vị có liên quan; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật để xảy ra sự cố nêu trên.
Bên cạnh đó, tiến hành tổng hợp, phân loại, phân tích nhằm xác định đầy đủ nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất an toàn để đưa ra các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, kịp thời trong tất cả các khâu liên quan đến vận tải hàng không dân dụng.
Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các cảng hàng không sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay, nghiêm túc thực hiện các quy trình khai thác bảo đảm tuyệt đối an toàn hoạt động bay; giám sát đường lăn, sân đỗ để phát hiện và xử lý kịp thời các vật ngoại lai có nguy cơ uy hiếp an toàn bay, ngăn chặn hữu hiệu, kịp thời các vật ngoại lai xuất hiện tại khu bay; kiểm tra, vệ sinh khu bay, vị trí đỗ máy bay, đường lăn, sân đỗ, đường cất-hạ cánh,... để bảo đảm an toàn khai thác máy bay.
Cục trưởng Hàng không Việt Nam phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng Giao thông vận tải về bảo đảm an ninh, an toàn tại các cảng hàng không, sân bay.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng
Bộ trưởng Giao thông vận tải cũng chỉ đạo VATM nghiêm túc thực hiện đúng các quy trình, quy định chuyên môn tiêu chuẩn khai thác; tuân thủ chặt chẽ tài liệu hướng dẫn khai thác nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; kiểm tra, đôn đốc, giám sát các cơ sở bảo đảm hoạt động bay từ cấp lãnh đạo đến cán bộ tại các cơ sở để kịp thời phát hiện, xử lý mọi yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động bay; thực hiện nghiêm các yêu cầu, quy định về công tác báo cáo an toàn, khi có tình huống đột xuất hoặc các sự cố, vụ việc xảy ra phải kịp thời báo cáo theo đúng quy định.
“VATM nghiêm túc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra sự cố hoạt động bay theo quy định; khắc phục các khiếm khuyết, vi phạm nhằm bảo đảm điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả; tiến hành bình giảng sự cố trên đối với kiểm soát viên không lưu để rút kinh nghiệm, không để xảy ra các vụ việc, sự cố tương tự và báo cáo kết quả về Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ Vận tải) trước ngày 15/7”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo.
ACV cần nêu cao trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng không; chế tài xử lý đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không vi phạm các quy định về an ninh, an toàn hàng không; thường xuyên kiểm tra đường cất-hạ cánh, đường lăn để phát hiện các hư hỏng, kịp thời bảo dưỡng mặt đường.
Các cảng hàng không, sân bay, các hãng hàng không có ý thức, trách nhiệm tuân thủ nghiêm quy trình, quy định về bảo đảm an toàn hoạt động của phương tiện, trang thiết bị tại các cảng hàng không, sân bay và trên các chuyến bay nhằm ngăn ngừa tai nạn, sự cố uy hiếp an toàn hàng không; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, khi xảy ra sự cố phải tiến hành điều tra làm rõ, bình giảng rút kinh nghiệm.