Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng ô nhiễm không khí tại Ấn Ðộ thuộc nhóm cao nhất thế giới, gây hại cho hệ hô hấp và dẫn tới suy giảm sức khỏe người dân. Không chỉ tại Ấn Ðộ, sức khỏe người dân nhiều nước trên thế giới đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ô nhiễm không khí.
Tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hơn 8,1 triệu người, tương đương khoảng 12% số ca tử vong trên thế giới.
Theo báo cáo Viện Nghiên cứu các tác động sức khỏe và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vừa công bố, ô nhiễm không khí là nhóm nguy cơ thứ hai gây tử vong sớm, chỉ sau huyết áp cao, đồng thời xếp trên các yếu tố khác như thuốc lá và chế độ ăn uống thiếu chất.
Tuy nhiên, tác động của ô nhiễm không khí không đồng đều giữa các nước và khu vực. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, ô nhiễm không khí đe dọa tất cả người dân, nhưng những người nghèo là đối tượng chịu gánh nặng lớn hơn. Nhờ nguồn lực tài chính mạnh, khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng sạch, ô nhiễm không khí ở châu Âu và Bắc Mỹ giảm mạnh trong những thập niên gần đây. Trong khi đó, tình hình ô nhiễm tại các khu vực châu Á và châu Phi lại ít được cải thiện.
Ðáng lo ngại, trẻ em là đối tượng chịu tác động nặng nề, khi ô nhiễm không khí liên quan hơn 700.000 ca tử vong ở trẻ dưới năm tuổi. Trong đó, hơn 500.000 ca là do tiếp xúc không khí bị ô nhiễm vì nấu ăn trong nhà bằng nhiên liệu gây ô nhiễm như than, củi. Thực trạng này đặc biệt đáng báo động ở các khu vực châu Phi và châu Á.
Cuộc chiến cam go với ô nhiễm không khí ở châu Á
Nhà khoa học Evans Amukoye thuộc Viện Nghiên cứu y khoa Kenya khẳng định, việc đốt than, củi làm phát tán phân tử bụi mịn PM2.5, gây các bệnh viêm phổi, hen suyễn và nhiều loại bệnh khác.
Bụi mịn PM2.5 là "thủ phạm" liên quan khoảng 135 triệu ca tử vong sớm trên thế giới. Bụi mịn PM2.5 gây hại cho sức khỏe khi con người hít phải do chúng có kích thước rất nhỏ và có thể xâm nhập vào máu.
Theo nghiên cứu do Ðại học Công nghệ Nanyang (Singapore) chủ trì thực hiện, châu Á là khu vực ghi nhận số ca tử vong sớm cao nhất do ô nhiễm bụi mịn, với hơn 98 triệu người. Các loại bụi mịn sinh ra từ khí thải giao thông và công nghiệp cũng như các nguồn tự nhiên như hỏa hoạn và bão cát.
Ngoài ra, các hình thái thời tiết cực đoan cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí. Phó Giáo sư Steve Yim thuộc Ðại học Công nghệ Nanyang nhấn mạnh, khi những hiện tượng thời tiết như El Nino xảy ra, mức độ ô nhiễm có thể tăng lên.
Trên thực tế, nghiên cứu của Ðại học California, Los Angeles (Mỹ), được công bố trên Tạp chí Science Advances, chỉ ra rằng, ô nhiễm do các đám cháy rừng ở bang California đã làm hơn 52.000 người chết trong 10 năm qua.
Theo giới chuyên gia, các hạt bụi nhỏ phát tán từ cháy rừng ảnh hưởng đến người dân địa phương thậm chí còn nặng nề hơn so với số người thiệt mạng trực tiếp do những đám cháy này.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nhấn mạnh, nồng độ bụi bề mặt toàn cầu trong năm 2023 giảm nhẹ, xuống còn 12,7 microgram/m3 không khí, thấp hơn so với con số 13,8 của năm 2022, song vẫn cao hơn mức trung bình trong dài hạn.
Trong bối cảnh đó, bảo vệ sức khỏe người dân trước mối nguy hại từ ô nhiễm không khí tiếp tục là nhiệm vụ chung cấp bách, đòi hỏi sự hợp tác và hành động quyết liệt của tất cả các nước.