Chuyên gia cảnh báo nguy cơ của “sát thủ vô hình” bụi mịn

NDO - Liên tiếp trong nhiều ngày qua, Hà Nội thường xuyên xuất hiện trong top 10 thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất thế giới, theo ứng dụng đo chất lượng không khí AirVisual (sản phẩm của tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về không khí, có trụ sở chính đặt tại Thụy Sỹ). Các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ của bụi mịn, đặc biệt là PM 2.5 như một sát thủ vô hình với sức khỏe của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam.

Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi nhanh với TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục môi trường về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, trong 2 tuần qua, theo ứng dụng AirVisual, chỉ số ô nhiễm không khí AQI tại Hà Nội luôn dao động ở mức 100-150, thậm chí có thời điểm vượt qua mức 170. Tiến sĩ lý giải thế nào về hiện tượng này?

TS Hoàng Dương Tùng: Thời gian gần đây, kết quả quan trắc chất lượng không khí từ các trạm của Nhà nước cũng như một số ứng dụng giám sát chất lượng không khí như PAMAir hay AirVisual cho thấy Hà Nội có chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức có hại cho sức khỏe.

Thậm chí, ở một vài thời điểm, khi so sánh với những thành phố trên thế giới, mức ô nhiễm này còn ở top đầu thế giới (theo AirVisual). Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta không nên quá quan tâm vào chỉ số xếp hạng trên vì nó chỉ là tương đối.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận là một số ngày trong thời gian gần đây, chỉ số AQI Hà Nội là cao, ô nhiễm không khí ở mức có hại cho sức khỏe. Điều này phù hợp với thực tế khi Hà Nội đã bắt đầu bước vào mùa ô nhiễm không khí.

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ của “sát thủ vô hình” bụi mịn ảnh 1

Trong nhiều ngày, chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội luôn đạt mức rất cao. (Ảnh chụp màn hình bản đồ ô nhiễm của AirVisual)

Phóng viên: Tiến sĩ có thể cho biết thêm về “mùa ô nhiễm không khí tại Hà Nội"?

TS Hoàng Dương Tùng: Như thông lệ, khi bước vào mùa đông, không chỉ tại Hà Nội mà nhiều tỉnh, thành phố phía bắc bắt đầu có hiện tượng nồng độ bụi mịn, siêu mịn PM 2.5 rất cao. Sở dĩ do vậy là bởi vào mùa đông xuất hiện nhiều yếu tố gia tăng ô nhiễm như gió lặng, nhiệt độ thấp, ít mưa… Những yếu tố này sẽ làm giảm khuếch tán của không khí khiến các chất ô nhiễm lưu cữu ở tầm thấp thay vì thoát lên cao hoặc tỏa rộng ra các vùng khác. Chính vì vậy, nồng độ bụi mịn trong không khí cũng sẽ gia tăng, kéo chỉ số AQI lên cao.

Ở đây, thời tiết đóng vai trò tác nhân làm tăng chỉ số AQI. Dự kiến tới đây, chúng ta sẽ còn tiếp tục chứng kiến những đợt ô nhiễm không khí khác nữa kéo dài suốt mùa đông.

Phóng viên: Nói riêng về bụi mịn, tại sao các chuyên gia lại gọi đây là sát thủ vô hình với sức khỏe con người, thưa Tiến sĩ?

TS Hoàng Dương Tùng: Trong môi trường, có rất nhiều loại bụi như bụi tổng, bụi PM10, bụi PM2.5, bụi PM1, bụi nano. Chúng được phân loại dựa vào kích cỡ của từng loại theo đơn vị micromet. Hiện nay, thế giới đang lo ngại với PM2.5 hay còn được gọi bằng cái tên khác là bụi mịn. Với đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet, tức là các hạt này bé hơn 1/30 so với sợi tóc của chúng ta.

Bụi PM2.5 được gọi là sát thủ vô hình vì chúng có kích thước nhỏ, chứa nhiều thành phần độc hại, nên khi hít thở nó xâm nhập sâu vào phổi ảnh hưởng đến hệ hô hấp, máu, gây nhiều bệnh như nhồi máu tim, ung thư,… Cần phải lưu ý rằng, không giống như bụi thô, PM2.5 không bị những loại khẩu trang phổ thông ngăn chặn.

Qua quan trắc, có nhiều ngày trong mùa đông, nồng độ bụi mịn PM 2.5 tăng rất cao, biểu hiện qua chỉ số AQI đỏ, thậm chí nâu trong khoảng sáng sớm từ 2-6 giờ. Đây là kiểu hình không khí rất có hại cho sức khỏe.

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ của “sát thủ vô hình” bụi mịn ảnh 2

Theo TS Hoàng Dương Tùng, trong không khí tồn tại rất nhiều bụi mịn PM2.5. Đây được coi là sát thủ vô hình với sức khỏe con người, có khả năng gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng, trong đó có ung thư.

Phóng viên: Ông có thể cho biết nguyên nhân gây ra bụi mịn trong không khí, thưa Tiến sĩ?

TS Hoàng Dương Tùng: Có 2 nguồn bụi mịn PM2.5 gồm sơ cấp, và thứ cấp. Bụi sơ cấp phát sinh trực tiếp từ hoạt động như từ các quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, đốt rơm rạ sau thu hoạch, đốt rác, bụi đường, từ các công trường xây dựng. Loại thứ 2 là thứ cấp, được tạo ra thông qua các phản ứng hóa học từ một số hợp chất khác nhau có trong không khí.

Để hạn chế bụi mịn, việc đầu tiên cần phải xác định rõ nguồn ô nhiễm, trên cơ sở đó đề ra các biện pháp hiệu quả để giảm thiểu. Điển hình như tại Hà Nội, chúng ta nên tính đến bài toán kiểm soát phát thải khí thải từ ô-tô, xe máy, tăng cường các phương tiện giao thông xanh như xe chạy bằng nhiên liệu sạch. Thành phố cũng cần khuyến khích người dân sử dụng nhiều hơn phương tiện công cộng… Ngoài ra, chúng ta phải kiểm soát tốt việc đốt rác trong tự nhiên, che chắn kín những công trình xây dựng và kiểm soát thật chặt quá trình sản xuất công nghiệp.

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ của “sát thủ vô hình” bụi mịn ảnh 3

Người dân cần đặc biệt chú ý, bố trí thời gian làm việc và sinh hoạt hợp lý trong điều kiện ô nhiễm không khí tại Hà Nội vẫn có thể kéo dài.

Phóng viên: Từ góc độ của người dân, cần phải làm gì để giảm thiểu được vấn đề ô nhiễm không khí như hiện nay, thưa ông?

TS Hoàng Dương Tùng: Đầu tiên, người dân phải nâng cao nhận thức và kiến thức về ô nhiễm không khí, tác hại của bụi mịn và thường xuyên theo dõi chất lượng không khí trên các app điện thoại, website.

Điều này, giúp chúng ta có thể biết được khu vực mình đang sinh sống có ô nhiễm hay không, từ đó có những kế hoạch sinh hoạt phù hợp vào những thời điểm ô nhiễm không khí.

Ngoài ra, bản thân mỗi người phải tự có ý thức bảo vệ môi trường. Cá nhân tôi thấy có những tín hiệu đáng mừng thời gian gần đây khi liên tục thấy xe máy điện chạy trên đường, hay thông tin về việc người dân sử dụng đường sắt Cát Linh-Hà Đông đạt kỷ lục. Thói quen đi lại bằng phương tiện công cộng đã dần hình thành. Tôi nghĩ, nếu mỗi người nhận thức và cùng nhau góp phần nhỏ vào việc bảo vệ môi trường, với dân số Hà Nội hiện nay khoảng 7-8 triệu người thì sẽ tạo ra sự cộng hưởng và đem lại kết quả rất khả quan.

Phóng viên: Xin cám ơn Tiến sĩ về cuộc trao đổi này!