Hệ lụy khôn lường từ các vụ cháy rừng

Mùa hè năm 2022, châu Âu đang phải trải qua đợt nắng nóng kỷ lục và các đám cháy rừng tàn phá khắp Ðịa Trung Hải. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc ghi nhận, ở hầu hết các vùng đất, biến đổi khí hậu làm gia tăng tình trạng thời tiết cực đoan, khiến các đợt sóng nhiệt trở nên nghiêm trọng hơn và thường xuyên hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Các tình nguyện viên nỗ lực dập đám cháy rừng ở bán đảo Datca, Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các tình nguyện viên nỗ lực dập đám cháy rừng ở bán đảo Datca, Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hệ thống giám sát cháy rừng của châu Âu (EFFIS) thống kê, chỉ trong một vài tuần, các đám cháy rừng bùng phát khắp châu Âu đã thiêu rụi diện tích đất rừng rộng lớn hơn tổng diện tích từng bị tàn phá trong cả năm 2021. Một nghiên cứu trên tạp chí Nature (Anh) chỉ ra, các đợt nắng nóng ở châu Âu đã tăng nhanh hơn 3 đến 4 lần so các vùng cùng vĩ độ trung bình phía bắc khác, như Mỹ.

Biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân chính khiến thời tiết trở nên nóng và hanh khô hơn, tạo điều kiện cho các đám cháy rừng lan nhanh và kéo dài lâu hơn, thải ra nhiều chất ô nhiễm không khí gây các bệnh về tim mạch và đường hô hấp, cùng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính lớn, tiếp tục làm Trái đất ấm lên.

Theo Cơ quan giám sát khí quyển Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), các vụ cháy rừng ở Tây Ban Nha đã phát thải 1,3 triệu tấn các-bon vào bầu khí quyển, mức cao nhất so cùng kỳ tháng 6 và 7 hằng năm, kể từ năm 2003 khi Copernicus bắt đầu thu thập dữ liệu. Với hơn 30 vụ cháy rừng hoành hành, lượng phát thải các-bon ở Tây Ban Nha đã phá kỷ lục trước đây là 1,1 triệu tấn, được ghi nhận năm 2012. Nhà khoa học Mark Parrington thuộc Copernicus cho biết, lượng phát thải do cháy rừng ở Tây Ban Nha hiện đã cao hơn lượng phát thải trong 20 năm qua ở nước này.

Trong cùng giai đoạn, Maroc ghi nhận 480.000 tấn CO2 phát thải từ các vụ cháy rừng, mức cao nhất trong 20 năm qua. Pháp cũng ghi nhận lượng phát thải do cháy rừng cao gần kỷ lục 344.000 tấn CO2, mức cao nhất kể từ tháng 6/2003. Maroc hiện vẫn phải vật lộn với tình trạng hạn hán nghiêm trọng trong bối cảnh nhiệt độ đã tăng vọt lên tới 45oC.

Bên kia bờ eo biển Gibraltar, cháy rừng cũng đang hoành hành ở miền nam châu Âu, từ Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha đến Pháp, lan đến cả các nước phía đông châu Âu như Ba Lan hay Hy Lạp, khi phần lớn châu Âu đang chìm trong đợt nắng nóng dữ dội, với nhiệt độ vượt trên ngưỡng 400C tại nhiều khu vực.

Trong năm 2021, các chuyên gia ước tính cháy rừng đã thải ra 1,76 tỷ tấn CO2 trên toàn cầu do các đám cháy nghiêm trọng và kéo dài hoành hành tại các vùng ở Siberia, Mỹ và Ðịa Trung Hải. Các đám cháy rừng năm nay lan rộng ở khu vực miền nam châu Âu và Bắc Phi, làm hàng nghìn người thiệt mạng và buộc phải sơ tán khỏi khu vực bị ảnh hưởng bởi khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang gây ô nhiễm, tàn phá sức khỏe.

Liên minh châu Âu hiện đang đàm phán với các nhà sản xuất để đẩy nhanh việc mua máy bay chữa cháy trong bối cảnh năm 2021 ghi nhận mùa cháy rừng tồi tệ thứ hai trong lịch sử của khối. Theo dữ liệu của Chính phủ Tây Ban Nha, hơn 70.000ha đã bị thiêu rụi ở nước này chỉ riêng trong năm nay, mức cao nhất trong thập niên qua. EFFIS dự báo, châu Âu có thể kết thúc năm 2022 với diện tích rừng bị thiêu rụi nhiều hơn năm 2017, hiện là năm ghi nhận tình trạng cháy rừng tồi tệ nhất với gần 1 triệu héc-ta rừng (10.000km2) bị tàn phá.

Trên toàn cầu, các thảm họa khí hậu, bao gồm cháy rừng, là nguyên nhân gây ra 62% các cuộc di cư nội địa mới vào năm 2021. Tại châu Âu và Trung Á, 276.000 lượt di cư đã được ghi nhận do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Theo các nhà khoa học khí hậu, tính trung bình trên đất liền, những đợt thời tiết khắc nghiệt xảy ra cứ 10 năm một lần thời kỳ tiền công nghiệp, giờ đây đã thường xuyên hơn gấp ba lần. Các hiện tượng này được dự đoán còn trở nên thường xuyên hơn, kéo dài hơn và khốc liệt hơn nữa trong tương lai.