Phóng viên TTXVN tại London dẫn báo cáo của Liên đoàn Tim mạch Thế giới (WHF) cho biết, từ năm 2010 đến năm 2019, số ca tử vong trong khu vực do bệnh tim do ô nhiễm đã giảm 19,2% và do đột quỵ giảm 25,3%. Điều này làm giảm 88.880 ca tử vong do bệnh tim và ít hơn 34.317 ca tử vong do đột quỵ.
Châu Âu cũng ghi nhận mức giảm hằng năm lớn nhất của bụi mịn PM2.5 - chất gây ô nhiễm không khí có liên quan chặt chẽ nhất đến các tác động có hại cho sức khỏe - so với bất kỳ khu vực nào trên thế giới trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2019.
Na Uy, Bồ Đào Nha và Pháp có tỷ lệ tử vong do bệnh tim thấp nhất khi tính đến cơ cấu tuổi của dân số. Mark Miller, chuyên gia thuộc Đại học Edinburgh, Chủ tịch Nhóm chuyên gia về ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu của WHF, cho biết các số liệu của châu Âu là “đáng yên tâm”. Ông nhấn mạnh châu Âu đã tạo ra sự khác biệt nhờ hành động giải quyết ô nhiễm từ giao thông vận tải, cải thiện thiết kế đô thị, cắt giảm khí thải từ các ngành công nghiệp, và nhất là tránh xa việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Ông Miller cảnh báo số liệu thống kê vẫn đánh giá thấp mức độ hậu quả về tim mạch do ô nhiễm không khí gây ra. Thành tựu của châu Âu không được nhân rộng ở nhiều nơi khác trên thế giới. Các nhà nghiên cứu nhận thấy ô nhiễm không khí - cả ngoài trời và trong nhà - đang góp phần gây ra ít nhất 4 triệu ca tử vong do bệnh tim mạch mỗi năm trên toàn thế giới, thể hiện điều mà WHF gọi là “thách thức đáng kinh ngạc đối với sức khỏe toàn cầu”.
WHF cho biết, khoảng 70% số ca tử vong do bệnh tim hiện nay có liên quan đến ô nhiễm. Khi tính đến một loạt căn bệnh khác, chẳng hạn như bệnh phổi và tiểu đường, gần 7 triệu ca tử vong hằng năm có liên quan đến ô nhiễm, một con số mà các nhà nghiên cứu cho biết gần như ổn định trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2019 nhưng có thể là con số thấp.
Theo WHF, ở nhiều khu vực ở Đông Nam Á, châu Phi và phía Đông Địa Trung Hải, ô nhiễm không khí cao gấp 10 lần mức an toàn được khuyến nghị.
Xuất phát từ giao thông, công nghiệp, nông nghiệp và cháy rừng, cũng như ô nhiễm trong nhà do nhiên liệu sinh hoạt, gánh nặng được phân bổ một cách không đồng đều.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, tử vong do bệnh tim do ô nhiễm đã tăng tới 27% trong giai đoạn 2010-2019 ở tất cả các khu vực ngoại trừ châu Mỹ và châu Âu.
Trên khắp thế giới, mặc dù nhận thức rằng ô nhiễm không khí có thể gây hại cho sức khỏe ngày càng tăng, nồng độ bụi mịn PM2.5 vẫn chỉ giảm 1% trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2019. Báo cáo cho biết chúng vẫn ở mức “cao đáng báo động”.
Báo cáo cũng cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị các quốc gia không nên vượt quá mức ô nhiễm không khí 5 microgam PM2.5/mét khối nhưng hầu hết đều “vượt quá ngưỡng đó và chỉ 64% có các điều luật được thiết lập bao gồm các tiêu chuẩn chất lượng không khí ngoài trời”.