Hành động để giảm ô nhiễm không khí

TỪ đầu tháng 11/2023, nhiều tỉnh, thành phố miền bắc bước vào thời gian mùa ô nhiễm không khí, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Mức độ ô nhiễm gia tăng và kéo dài trong suốt tháng 12 đến đầu tháng 1/2024. Có những ngày, không chỉ Hà Nội mà Thành phố Hồ Chí Minh đều lọt vào danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới của IQAir (Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới). Theo đó, Hà Nội với chỉ số ô nhiễm là 176, còn Thành phố Hồ Chí Minh là 164 (nồng độ bụi mịn PM2.5 µm/m3 Hơn 150 tương ứng với mầu đỏ là có hại cho sức khỏe).
0:00 / 0:00
0:00

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định, ô nhiễm không khí gắn liền sự thay đổi thời tiết. Chúng ta thường thấy ở miền bắc ô nhiễm không khí xuất hiện vào mùa đông và kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Đây là giai đoạn thời tiết không thuận lợi vì nhiệt độ trong không khí giảm; các chất gây ô nhiễm, trong đó có bụi mịn không thoát lên được tầng đối lưu mà chỉ lơ lửng ở tầm thấp. Tuy nhiên, thời tiết chỉ là yếu tố bên ngoài, nguyên nhân chính vẫn là do các hoạt động kinh tế-xã hội của con người, từ sản xuất, kinh doanh, nguồn thải từ các cơ sở sản xuất, làng tái chế (kim loại, nhựa, giấy...), đến tình trạng đốt rác thải sinh hoạt tự phát, thi công hạ tầng kỹ thuật và mật độ giao thông gia tăng vào cuối năm.

Với các nguyên nhân đó, theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật để các tỉnh, thành phố trên cả nước làm căn cứ xây dựng hệ thống kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm không khí. Cả nước có chín địa phương đã xây dựng kế hoạch quản lý kiểm soát chất lượng không khí và 19 địa phương đang xây dựng dự án kiểm soát chất lượng không khí. Bộ cũng đã ban hành tiêu chuẩn khí thải trên toàn quốc; ban hành quy chuẩn về quản lý không khí cấp quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ này cũng đang thực hiện dự án bổ sung 18 trạm quan trắc ở 16 tỉnh, thành phố để giám sát chất lượng không khí. Về việc giảm phát thải khí thải, Bộ cũng đã tăng cường giám sát các doanh nghiệp về khí thải với 600 trạm quan sát kết nối trực tiếp với Bộ.

Tuy nhiên, để kiểm soát ô nhiễm không khí, theo các chuyên gia cần đồng bộ trách nhiệm cụ thể từ nhiều ngành, từ cấp Trung ương đến địa phương, và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong khâu thu gom, tập kết rác thải, xử lý vi phạm về môi trường. Về lâu dài, cần chuyển đổi sang các ngành công nghiệp thân thiện môi trường dù đòi hỏi nguồn lực, khoa học công nghệ, nhân lực lớn. Một trong những giải pháp về mặt chiến lược là phát triển mạnh hơn giao thông công cộng. Tiếp đến là tổ chức, bố trí lại mật độ dân cư, lao động, sản xuất, và học tập phù hợp. Kiên trì với chính sách xanh hóa, giải quyết hài hòa bài toán phát triển kinh tế song hành bảo vệ môi trường.

Cần hành động cả về mặt chính sách, tạo hành lang pháp lý để thực thi hiệu quả cũng như nâng cao ý thức của mỗi người, dù là nhỏ nhất như không đốt than, đốt rơm, đốt rác… đều góp phần tạo nên những giá trị nhằm nâng cao chất lượng không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.