Nét đẹp phong tục mai mối ở Đạo Trù

NDO - Đối với cộng đồng người dân tộc Sán Dìu ở xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), những ông mối, bà mối rất được tôn trọng, bởi vì họ không chỉ kết nối các cặp uyên ương thành vợ thành chồng, mà còn là người trung gian hòa giải cho các cặp vợ chồng trẻ khi xảy ra xích mích.
0:00 / 0:00
0:00
Bánh chưng gù, sản phẩm đặc trưng của người dân tộc Sán Dìu tại xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo.
Bánh chưng gù, sản phẩm đặc trưng của người dân tộc Sán Dìu tại xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo.

Để trở thành ông mối ở Đạo Trù không dễ dàng. Họ phải là người có uy tín nhất định trong thôn và được nhà trai, nhà gái tin tưởng giao phó việc gia đình. Khi làm mối, ông mối sẽ xem tuổi hai người có hợp không trước khi tiến hành các thủ tục dạm ngõ, cưới xin. Nhà trai sẽ hỏi ý kiến của ông mối về nghi thức, lễ dạm ngõ. Sau đó, ông mối thống nhất nội dung với nhà gái rồi mới chọn ngày đưa nhà trai đến gặp nhà gái.

Nghi lễ, bổn phận của ông mối và con mối

Người được mai mối thành công gọi là con mối. Trước đám cưới, con mối phải mang lễ đến nhà ông mối để nhận làm con. Cưới xong, nhà trai, nhà gái mang 2 thủ lợn đến nhà ông mối để cảm ơn. Ông mối bày lễ lên bàn thờ gia tiên và làm khoảng chục mâm cơm mời họ nhà trai, họ nhà gái cùng họ hàng. Từ đó, ông mối và con mối chính thức nhận nhau như cha và con.

Nét đẹp phong tục mai mối ở Đạo Trù ảnh 1
Nông sản làng quê của Đạo Trù thu hút nhiều du khách.

Ai có nhiều con mối là người hạnh phúc. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lý Ngọc Một có 3 con mối. Ngày Tết, các con mối của ông sẽ mang lễ đến cúng tổ tiên như con đẻ. Nhà con mối có việc gì cũng mời ông mối và ông mối coi đó là bổn phận của mình phải tham gia.

Lời nói của ông mối có trọng lượng rất lớn đối với các con mối. Khi các đôi vợ chồng có xích mích, cãi vã, họ ít khi nhờ cậy bố mẹ đẻ can thiệp mà tìm đến ông mối để giúp đỡ. Là người ở giữa, ông mối đưa ra ý kiến khách quan, phân tích điều hay lẽ thiệt, khuyên can hòa giải các bên.

Ông Một nói, phải có duyên mới được làm ông mối. Ông mối phải có trách nhiệm như người ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi với con mối. Nhờ ông mối mà nhiều cuộc hôn nhân được cứu vãn kịp thời.

Nhờ đó, một thời ở Đạo Trù rất hiếm có chuyện li dị. Nhiều ông mối còn hướng dẫn con mối cách làm ăn, ứng xử, giúp đỡ bằng vật chất như tình cha con. Chính vì thế mà tình cảm giữa ông mối với con mối rất sâu nặng. Đến mức khi một con mối mất đi người vợ yêu quý, khi tái hôn thì người vợ mới sẽ phải mang lễ đến nhà ông mối để nhận làm con mối. Mối quan hệ này kéo dài cho đến tận ngày ông mối qua đời. Hôm đó, các con mối sẽ mang lễ gồm lợn, gà, rượu, tiền đến phúng viếng như con đẻ.

Nay thời thế thay đổi, lớp thanh niên tự tìm hiểu nhau. Nhiều gia đình tổ chức cưới xin không có sự chứng kiến của ông mối. Song, số vụ ly hôn cũng tăng so với trước. Thấm thía vai trò của ông mối, bà mối, nhiều gia đình Sán Dìu ở Đạo Trù muốn quay lại phong tục mai mối để giữ gìn hôn nhân hạnh phúc.

Nét đẹp phong tục mai mối ở Đạo Trù ảnh 3
Ngày Tết của đồng bào dân tộc Sán Dìu.

Ông Đỗ Văn Minh, thành viên Câu lạc bộ hát Soọng cô thôn Đồng Giếng, có 1 con mối, cho biết: Người Sán Dìu chúng tôi có cả điệu hát Mu-nhin (hát ông mối) trong các đám cưới để chúc mừng ông mối có thêm con dù không sinh ra.

Khi nhà trai khiêng lợn đến cổng nhà gái, hai họ cùng hát mừng, hát đố một hồi lâu mới vào nhà. Tối đó, hai bên nhà trai nhà gái uống rượu hát đối đáp giao duyên đến tận sáng. Giờ, phong trào hát Soọng cô tại Đạo Trù rất sôi động. Thôn nào cũng có câu lạc bộ, xã có câu lạc bộ của xã, hoạt động rất quy củ. Thành viên các câu lạc bộ có trách nhiệm xây dựng đời sống văn hóa, hòa giải và giúp nhau việc nhà.

Xã có "5 bí thư, 9 cán bộ địa chính"

Vùng đất Đạo Trù còn có nhiều chuyện lạ. Rất nhiều gia đình chọn số đếm đặt tên cho con. Khách đến nơi này sẽ nghe những câu đùa vui rằng: Đạo Trù chỉ có 1 Chủ tịch (ông Lý Ngọc Một) nhưng có 5 Bí thư (Bí thư Đảng ủy xã Lưu Xuân Năm), 3 Phó Chủ tịch (Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Lưu Xuân Ba), 9 cán bộ địa chính (ông Lê Văn Chín), 5 cán bộ văn hóa (ông Lưu Xuân Năm).

Rồi còn 3 Chỉ huy trưởng quân sự (ông Trần Văn Ba), 5 địa chính (bà Dương Thị Năm), 2 chủ tịch Hội phụ nữ (chị Lê Thị Hai) và rất nhiều người khác như ông Đàm Văn Năm, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Lý Văn Tám, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Lục Liễu ...

Hỏi ra mới biết, ngày trước các cụ sinh nhiều con, đặt thế cho dễ nhớ. Nhà Chủ tịch xã Lý Ngọc Một có đến 15 người con, ông là con thứ 11 trong gia đình. Anh em nhà ông có nhiều người được đặt tên theo số đếm như Hai, Ba, Bốn, Năm, Bảy, Tám, Chín, … Ở Đạo Trù rất nhiều người được đặt tên như thế.

Chưa hết, đến với vùng đất nằm ở ngã ba của ba tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Thái Nguyên này, du khách sẽ ngỡ ngàng trước thiên nhiên tuyệt đẹp, cảnh quan hùng vĩ của dãy núi Tam Đảo. Xã Đạo Trù tiếp giáp với khu danh thắng Tây Thiên, có vườn cò tự nhiên, tài nguyên nước khoáng, có thác Vĩnh Ninh và nhiều phong tục, tập quán rất đặc sắc.

Nét đẹp phong tục mai mối ở Đạo Trù ảnh 4
Trang phục truyền thống của phụ nữ Sán Dìu.

Bên cạnh những điệu múa, điệu hát sôi động, khách sẽ được được mời thưởng thức các món ăn của người Sán Dìu như bánh chưng gù, bánh gio chấm mật, xôi đen, bánh trứng kiến… Đạo Trù còn có làng văn hóa kiểu mẫu Lục Liễu và chuẩn bị có Làng văn hóa cộng đồng dân tộc Sán Dìu.

Sự hồi sinh của văn hóa dân tộc đặc sắc dưới chân núi Tam Đảo và sự hiếu khách hiếm có của người dân Đạo Trù tạo nên một điểm đến thú vị trong hành trình du lịch tại Vĩnh Phúc.