1.Nguồn gốc lịch sử
Về nguồn gốc dân tộc, căn cứ vào tên tự nhận là Sơn Dao, có thể gợi mở nhiều suy nghĩ về nguồn gốc dân tộc Sán Dìu. Nhà nghiên cứu Ma Khánh Bằng phỏng đoán, người Sán Dìu có nguồn gốc là người Dao. Từ xưa, cộng đồng tộc người Dao bị nhà nước phong kiến Trung Quốc thống trị, đàn áp khiến nhóm người này phiêu bạt các nơi để mưu sinh và phát triển. Người Sán Dìu là một trong số những nhóm đó.
2.Dân số, ngôn ngữ:
* Dân số:
Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/2019, tổng dân số người Sán Dìu trên cả nước là 183.004, trong đó, có 94.743 nam, 88.261 nữ; số hộ dân cư gồm 54.901 hộ; tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn chiếm 89,8%.
* Ngôn ngữ:
Người Sán Dìu là một trong 53 dân tộc thiểu số ở nước ta thuộc nhóm ngôn ngữ Hán-Tạng. Do sống lâu đời bên cạnh người Hán phương nam nên dần dần đã mất tiếng mẹ đẻ (tiếng Dao) và tiếp thu thổ ngữ Hán Quảng Đông.
Trước kia, thanh niên thường học chữ Hán để làm thầy cúng, nhưng nay còn rất ít người biết chữ Hán.
3.Phân bố địa lý:
Người Sán Dìu cư trú tập trung tại các tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hải Dương… Họ cư trú thành những chòm, xóm riêng hoặc xen kẽ với người Hoa, người Kinh, người Tày, người Nùng tại địa phương.
(Ảnh: Thành Đạt) |
4.Đặc điểm chính:
Ẩm thực: Người Sán Dìu ăn cơm tẻ, độn thêm khoai sắn. Sau bữa ăn, thường húp thêm bát cháo loãng như người Nùng.
Trang phục: Bộ y phục truyền thống của phụ nữ gồm khăn đen, áo dài (đơn hoặc kép), nếu là áo kép, chiếc bên trong cũng màu trắng, chiếc bên ngoài màu chàm dài hơn một chút; yếm màu đỏ; thắt lưng màu trắng, hồng hay xanh lơ; váy là hai mảnh rời cùng chung một cạp, chỉ dài quá gối có màu chàm; xà cạp màu chàm; xà cạp màu trắng. Ðồ trang trí gồm vòng cổ, vòng tay, hoa tai và dây xà tích bằng bạc.
Nam giới ăn mặc như người Việt: búi tóc vấn khăn hoặc đội khăn xếp, áo dài thâm, quần trắng.
Nơi ở: Sống tập trung ở trung du Bắc Bộ, trong vùng từ tả ngạn sông Hồng đổ về phía đông.
Cưới hỏi: Tục cưới hỏi của người Phù Lá gồm nhiều nghi lễ. Lễ khai hoa tửu diễn ra tại nhà gái, trước hôm cô dâu về nhà chồng. Người ra lấy một bình rượu và một cái đĩa, trên đĩa lót hai miếng giấy cắt hoa, miếng trắng để dưới, miếng đỏ để trên, đặt lên trên đĩa hai quả trứng luộc có xâu chỉ đỏ và buộc ở mỗi bên trứng hai đồng xu. Sau khi cúng, bóc trứng lấy lòng đỏ hòa với rượu để mọi người uống mừng hạnh phúc của cô dâu, chú rể.
Thờ cúng: Trên bàn thờ thường đặt ba bát hương thờ tổ tiên, pháp sư và táo quân. Nếu chủ nhà chưa được cấp sắc thì chỉ có hai bát hương. Những người mới chết chưa kịp làm ma cũng đặt bát hương lên bàn thờ nhưng để thấp hơn. Ngoài ra, người Sán Dìu còn thờ thổ thần ở miếu thờ thành hoàng ở đình.
Lễ, Tết: Có những ngày Tết như nhiều dân tộc ở trong vùng. Riêng Tết Ðông chí còn mang thêm ý nghĩa cầu mong có con đàn, cháu đống. Những người đã lấy nhau lâu mà vẫn chưa có con, sau Tết, người vợ về nhà bố mẹ đẻ ở, người chồng cho ông mối đến hỏi và sau đó tổ chức cưới lại như là cưới vợ mới.
Lịch: Người Sán Dìu theo âm lịch.
Ca múa nhạc: Hát giao duyên nam nữ, gọi là soọng cô (hát về đêm).
(Ảnh: Thành Đạt) |
5.Điều kiện kinh tế:
* Trồng trọt:
Người Sán Dìu sống trên những đồi gò thấp miền trung du thoai thoải như hình bát úp. Những yếu tố khí hậu, thủy văn không thực sự thuận lợi cho phát triển trồng trọt. Tuy nhiên, cũng như các dân tộc khác cư trú trên vùng đông bắc Việt Nam, người Sán Dìu sinh tồn vẫn nhờ vào hạt lúa, củ khoai, bắp ngô, củ sắn… Đồng bào canh tác trên 4 loại ruộng: ruộng lầy thụt, ruộng nước, ruộng bậc thang, ruộng cạn (nương đồi, soi, bãi).
* Chăn nuôi:
Người Sán Dìu chú trọng đến chăn nuôi không chỉ để lấy sức kéo, lấy thịt mà còn lấy phân chuồng để cải tạo đồng ruộng. Gia cầm phổ biến là gà, vịt, ngan, ngỗng; chăn nuôi lợn rất được chú ý vì có nguồn thực phẩm từ các hoa màu phụ.
Những nơi gần rừng hoặc các đồi cây, đồng bào phát triển nuôi ong lấy mật. Tằm tơ cũng được một số người nuôi trồng nhưng là một trong những hoạt động kinh tế ít được quan tâm.
* Khai thác lâm thổ sản và săn bắn:
Trên địa bàn cư trú của người Sán Dìu có khá nhiều nguồn lâm thổ sản thiết yếu như: gỗ, tre, nứa, lá, các loại củ (củ nâu, củ báng, củ mài), các loại rau rừng (rau bò khai, rau tàu bay, rau gai, rau đắng), cây thuốc, củi đốt... là điều kiện thuận lợi để người Sán Dìu khai thác phục vụ cho nhu cầu hằng ngày.
Với người Sán Dìu ở Tuyên Quang, thu lượm cây để trang trí nhà đã trở nên phổ biến, nhất là hoa phong lan, hoa địa lan. Ngoài ra, chúng còn đem lại giá trị kinh tế cho người dân.
Bên cạnh việc khai thác lâm thổ sản, người Sán Dìu còn săn bắn thú rừng.
* Nghề thủ công
Ngoài nghề nông là chính, người Sán Dìu còn làm một số nghề phụ như: đan lát, kéo sợi, dệt vải, gốm, mộc, rèn…
Xưa kia, người Sán Dìu còn có nghề dùng giấy dó, đóng thành quyển, viết bằng bút lông, mực Tàu, để ghi chép gia phả, văn mo, lịch, truyện cổ tích, thơ ca…
● Français: L’ethnie Sán Dìu
● English: San Diu ethnic minority group