Đắm mình trong hội hát "Soóng cọ" của người Sán Chỉ

Ra đời từ cách đây 300 năm, lễ hội hát "Soóng cọ" là một di sản văn hóa tinh thần quý báu, thể hiện truyền thống tốt đẹp của người Sán Chỉ tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh với nội dung không chỉ có khát vọng tình yêu đôi lứa, mà còn ca ngợi quê hương đất nước, khuyên nhủ con người lao động hăng say, chê bai những kẻ lười biếng.
0:00 / 0:00
0:00
Tiết mục hát giao duyên trong ngày hội "Soóng cọ".
Tiết mục hát giao duyên trong ngày hội "Soóng cọ".

Hội hát "Soóng cọ", còn gọi là "Slằn nhịp hội" tức "Hội tháng ba" được tổ chức vào ngày 16 tháng ba (âm lịch) hằng năm bắt nguồn từ việc hôn nhân sắp đặt, nhiều cặp vợ chồng đến với nhau nhưng không có tình yêu và người Sán Chỉ đã tổ chức một ngày mà trai gái có thể mang lời ca tiếng hát để trao gửi cảm xúc. Tục hát Soóng cọ có một quy định chặt chẽ là không hát với người cùng huyết thống, dòng tộc, họ hàng.

"Soóng cọ" là cách hát đối đáp một bên nam, một bên nữ. Mỗi câu hát được cất lên là tâm tình, tấm lòng mình với người bạn hát đối cùng, có thể là người bạn mới gặp trong ngày hội nhưng cũng có thể là người bạn từ thời thanh niên, thầm yêu trộm nhớ. Gặp lại nhau trong ngày hội, họ cất lên những câu hát du dương, khoan thai tạo nên sự gần gũi để động viên nhau, truyền cho nhau những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, những dự định, ước mơ và cả những điều thầm kín.

Lời bài hát thật sâu lắng, tình cảm: "Chàng đến muộn, em mong đợi chàng. Con ngựa chân ngắn chàng đến muộn. Bao nhiêu hoa đẹp người hái tất. Chàng đến muộn hoa đẹp không còn. Phượng hoàng bay qua đỉnh đầu rừng. Trăng lặn phía tây sao mọc lại. Có phúc mới gặp người đồng hương, khác nào gặp tiên nữ ra ca hát...". Qua đêm hội, đến ngày hôm sau, trên những con đường về thôn, bản, những đôi trai gái vẫn còn lưu luyến, bịn rịn chưa muốn rời xa.

Hội "Soóng cọ" năm nay ngoài các làn điệu dân ca "Soóng cọ" còn có nhiều hoạt động đa dạng như trưng bày các hiện vật sinh hoạt, lao động sản xuất của các dân tộc ở Bình Liêu, đêm lửa trại, giao lưu hát "Soóng cọ" giữa các nghệ nhân, người dân và du khách, chọi chim chào mào giữa các câu lạc bộ, giao lưu bóng đá nữ. Du khách cũng được chứng kiến màn trình diễn ẩm thực và kỷ lục đồng diễn xào 20 chảo phở, món ăn đặc trưng của huyện Bình Liêu. Đặc biệt, không thể thiếu nghi lễ cầu may tại hai cây đa cổ thụ có tuổi đời trên 100 năm...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Bình Liêu Hoàng Ngọc Ngò cho biết: "Ngày hội "Soóng cọ" năm nay nhằm bảo tồn, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu, là dịp để huyện Bình Liêu quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa đặc sắc với du khách trong và ngoài nước, tạo nên những sản phẩm văn hóa du lịch hấp dẫn, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững". Cũng bởi vậy, trong ngày hội, bên cạnh "Soóng cọ" là tâm điểm còn có điệu hát then của người Tày, hát đối của người Dao Thanh Phán tạo nên dịp giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Trang phục rực rỡ của người Dao, áo dài chất liệu gấm đen của người Tày cùng lời ca, điệu múa tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc.