Nền kinh tế Mỹ giảm tín nhiệm

Hãng Fitch vừa hạ mức tín nhiệm của Mỹ xuống một bậc, từ AAA xuống AA+. Quyết định của hãng xếp hạng tín nhiệm này đã dội gáo nước lạnh vào triển vọng ổn định của kinh tế Mỹ, đồng thời khiến sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán New York (Mỹ). (Ảnh: Reuters)
Phiên giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán New York (Mỹ). (Ảnh: Reuters)

Fitch khẳng định việc hạ bậc xếp hạng phản ánh tình trạng suy thoái tài chính, gánh nặng chi tiêu công và sự xói mòn trong quản trị ở nền kinh tế số 1 thế giới. Theo Fitch, quyết định của hãng dựa trên triển vọng ổn định của kinh tế Mỹ còn khá bấp bênh. Ðây là lần đầu trong 12 năm qua, Mỹ bị một tổ chức xếp hạng lớn hạ tín nhiệm. Năm 2011, hãng S&P cũng đã hạ bậc xếp hạng của Mỹ từ AAA xuống AA+ do sự bế tắc về trần nợ công.

Tuyên bố của Fitch ngay lập tức vấp phải phản ứng dữ dội từ quan chức chính quyền Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen lên tiếng phản đối mạnh mẽ quyết định của Fitch, cho rằng đây là “hành động tùy tiện”.

Theo bà Yellen, kinh tế Mỹ về cơ bản vẫn vững mạnh, cũng như việc Fitch không tính tới sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới, với tỷ lệ thất nghiệp thấp, lạm phát giảm, tăng trưởng trên đà phát triển với nhiều cải cách. Người đứng đầu ngành tài chính Mỹ cho rằng, quyết định của Fitch dựa trên những dữ liệu đã cũ và không phản ánh những cải thiện về quản trị mà Chính phủ Mỹ thực hiện trong hơn hai năm qua, kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền.

Bộ trưởng Yellen nhấn mạnh, nền kinh tế Mỹ ghi nhận sự phục hồi ấn tượng sau khi suy thoái vì dịch Covid-19, có thêm hơn 13 triệu việc làm mới kể từ tháng 1/2021, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống gần mức thấp kỷ lục 3,6%. Bà khẳng định về tổng thể, trong năm 2022, lạm phát hằng năm đã giảm mỗi tháng và nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng. Về dài hạn, Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất, năng động nhất và mang tính đổi mới nhất với hệ thống tài chính vững mạnh nhất trên thế giới.

Ngay sau quyết định của Fitch hạ mức tín nhiệm đối với Mỹ, chứng khoán toàn cầu đồng loạt ngập tràn trong sắc đỏ. Tại phố Wall, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 1%, còn 35.282 điểm, chỉ số S&P 500 mất 1,38%, còn 4.513 điểm và chỉ số ngành công nghệ Nasdaq Composite “bốc hơi” 2,17% xuống 13.973 điểm. Chứng khoán châu Âu giảm xuống mức gần thấp nhất trong hai tuần qua, trong đó cổ phiếu ngành công nghệ và ô-tô ghi nhận mức giảm sâu nhất. Chỉ số STOXX 600 của châu Âu giảm 1,1% xuống còn 461,06 điểm, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 20/7 vừa qua. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,9% xuống còn 7.598,26 điểm. Các chỉ số chứng khoán tại Frankfurt (Ðức) và Paris (Pháp) cũng đồng loạt giảm 1,3-1,4%.

Thị trường chứng khoán châu Á cũng chứng kiến xu hướng tương tự, với chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) giảm mạnh sau hơn một tuần duy trì đà tăng, trong đó các ông lớn công nghệ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm sâu 2,4% xuống còn 19.524,84, trong khi chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,9%, chốt phiên ở mức 3.261,69 điểm. Mở phiên sáng 3/8, tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei-225 giảm 1,39% điểm, chỉ số Topix mất 1,21% điểm. Các sàn chứng khoán Singapore, Mumbai, Seoul, Sydney, Ðài Bắc (Trung Quốc), Manila, Bangkok và Jakarta cũng chìm trong sắc đỏ.

Chuyên gia Quincy Krosby (Q.Crô-xbi) của công ty tài chính LPL cho rằng, việc Fitch hạ bậc xếp hạng của Mỹ là một lý do khiến các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu cũng như thận trọng hơn trong giao dịch, đồng thời khiến Chính phủ Mỹ sẽ phải trả chi phí vay nợ cao hơn. Tâm lý sợ rủi ro cũng khiến các nhà giao dịch chuyển hướng sang các tài sản an toàn hơn, như trái phiếu kho bạc hoặc đồng yên. Thị trường đang ngóng đợi Chính phủ Mỹ chính thức công bố số liệu việc làm, dự kiến vào hôm nay ngày 4/8, để có những phản ứng phù hợp.

Nhìn chung, giới chuyên gia vẫn lạc quan cho rằng “cơn gió ngược” này chỉ là tạm thời trước khi các nhà giao dịch trở lại với xu hướng đầu tư mạo hiểm, khi xét đến việc thị trường đã giữ được đà tăng trưởng ổn định thời gian qua và niềm tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sớm khép lại chu kỳ tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ.