Lạm phát toàn cầu hạ nhiệt

Các tổ chức quốc tế đưa ra dự báo đầy tươi sáng về việc lạm phát hạ nhiệt ở một loạt nền kinh tế trên thế giới, từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ. Tín hiệu tích cực này cho thấy các biện pháp đối phó của chính phủ các nước thời gian qua bắt đầu mang lại hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa hạ dự báo tỷ lệ lạm phát của khu vực đang phát triển tại châu Á, gồm 46 nền kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương, trong bối cảnh giá nhiên liệu và thực phẩm đi xuống, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng được cải thiện và việc tăng lãi suất bắt đầu có tác động.

Trong báo cáo về triển vọng tăng trưởng năm 2023, ADB dự kiến lạm phát của khu vực các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á là 3,6%, thấp hơn mức dự báo 4,2% được đưa ra tháng 4 vừa qua.

ADB nhận định lạm phát đang quay về mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Bên cạnh đó, tổ chức tài chính quốc tế này giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của khu vực đang phát triển tại châu Á ở mức 4,8%, với nhận định hoạt động đầu tư, du lịch và tiêu dùng tăng mạnh, dù nhu cầu của thế giới đối với hàng xuất khẩu của khu vực còn yếu.

Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 5% năm 2023 và 4,5% năm 2024, nhờ sự hỗ trợ của các chính sách tiền tệ và tài chính. Khu vực Đông Á tăng trưởng 4,6%, không đổi so với dự báo trước đó, trong khi tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á được điều chỉnh giảm từ 4,7% xuống 4,6%, do nhu cầu đối với các mặt hàng chế tạo xuất khẩu trên toàn cầu suy yếu.

ADB cho rằng, nếu các nền kinh tế phát triển kiểm soát lạm phát nhanh hơn so với dự kiến hiện nay, những nước này khả năng sẽ áp dụng chính sách tiền tệ ôn hòa hơn, giúp hỗ trợ tăng trưởng của khu vực. Tuy nhiên, ADB cũng cảnh báo các cuộc xung đột có nguy cơ đẩy giá nhiên liệu tăng, trong khi hiện tượng El Nino trở lại năm nay có thể gây tổn hại các nền kinh tế.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vui mừng thông báo, thị trường lao động đang hạ nhiệt cũng như chi phí mua nhà ở và giá phương tiện là những yếu tố quan trọng đang giúp Xứ cờ hoa giảm lạm phát.

Theo bà Yellen, tốc độ tuyển dụng của các công ty Mỹ đang giảm và thị trường lao động hạ nhiệt mà không tạo ra bất kỳ khó khăn nào cho nền kinh tế số 1 thế giới. Bộ trưởng Yellen tin rằng không cần thiết phải kiềm chế tăng lương để chống lạm phát, đồng thời gợi ý về khả năng giảm tỷ suất lợi nhuận của các công ty để giảm áp lực tăng giá.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ nêu rõ, tỷ suất lợi nhuận đang khá cao và có một số khía cạnh mang tính chu kỳ, do đó có thể giảm lạm phát mà không cần điều tiết về tiền lương. Lạm phát giảm khiến các nhà kinh tế và nhà đầu tư đánh giá lại rủi ro do suy thoái của nền kinh tế Mỹ. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã giảm dự báo về khả năng xảy ra suy thoái xuống còn 20%, từ mức 25% trước đó. Còn chuyên gia kinh tế của Ngân hàng JPMorgan, Marko Kolanovic (M.Cô-la-nô-vích) cho rằng, khả năng “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ trở nên rộng mở hơn.

Tại châu Âu, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh công bố số liệu cho thấy, lạm phát trong tháng 6 tại Xứ sở sương mù đã giảm xuống còn 7,9%, mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Điều này sẽ giúp giảm áp lực đối với Ngân hàng Trung ương Anh trong việc duy trì chính sách tăng lãi suất một cách mạnh tay.

Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh thừa nhận mặc dù đây là mức lạm phát thấp nhất kể từ tháng 3/2022 nhưng vẫn cao hơn mức lạm phát ở các nước giàu. Nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics, Paul Dales nhận định, nhìn chung Anh có thể sẽ vẫn chứng kiến tỷ lệ lạm phát cao hơn các nước khác trong một thời gian, nhưng ít nhất mức lạm phát ở Anh đang theo xu hướng toàn cầu. Lạm phát cơ bản và dịch vụ tại Anh sẽ giảm dần khi tác động của các đợt tăng lãi suất trước đó phát huy tác dụng.

Các tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế nhận định, dù các áp lực dai dẳng chưa chấm dứt, và điều này có thể khiến ngân hàng trung ương các nước tiếp tục tăng nhẹ lãi suất thời gian tới, nhưng những tín hiệu khởi sắc cũng giúp cải thiện “sức khỏe” của nền kinh tế thế giới.