Nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội

NDO - Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, đại biểu Quốc hội cho rằng, việc phát triển hệ thống giao thông đường bộ phải được nâng cấp để đáp ứng kịp thời với sự phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, cần thiết phải có quy hoạch mạng lưới đường bộ, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bảo đảm phù hợp với mạng lưới giao thông trong quy hoạch vùng, tỉnh, đô thị, nông thôn.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 6, sáng 10/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 6, sáng 10/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Tạo đột phá về kết cấu hạ tầng đường bộ

Sáng 10/11, Quốc hội tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, tiến hành thảo luận ở tổ về Dự án Luật Đường bộ. Qua nghiên cứu dự án luật, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) bày tỏ nhất trí về bố cục, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các nội dung trong các chương, điều của dự thảo luật.

Hồ sơ dự án luật được chuẩn bị công phu, nội dung dự thảo luật cơ bản đầy đủ, bao quát, cụ thể và khả thi. Các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và đưa vào dự thảo luật.

Theo đại biểu, việc xây dựng, ban hành Luật Đường bộ sẽ tạo nên các bước đột phá nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ, tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ.

Nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1

Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) phát biểu thảo luận tại Tổ 6. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Cùng với đó, quản lý vận tải thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của nền kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải đường bộ hiện đại, đồng bộ, chất lượng, bên cạnh thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.

Đại biểu nêu rõ, quá trình xây dựng dự án Luật Đường bộ được tiến hành gần 4 năm qua rất nhiều lần hội thảo, xin ý kiến của các bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan. Đặc biệt, gần đây là các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, tổ chức có liên quan tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Đường bộ.

Cơ quan chủ trì soạn thảo Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đã tiếp thu ý kiến đóng góp và thống nhất chuyển các chương: Quy tắc giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ sang Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Như vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật Đường bộ chỉ quy định về hoạt động đường bộ, bao gồm các quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.

Bày tỏ nhất trí khi dự thảo luật quy định một điều về quy hoạch mạng lưới đường bộ, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) nhấn mạnh, hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, việc phát triển hệ thống giao thông đường bộ phải được nâng cấp để đáp ứng kịp thời với sự phát triển kinh tế, xã hội.

Nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội ảnh 2

Đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) phát biểu thảo luận tại Tổ 6. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Do đó, việc quy hoạch mạng lưới đường bộ, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cần thiết phải có quy hoạch bảo đảm phù hợp với mạng lưới giao thông trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Tại Khoản 5 giao cho Chính phủ quy định chi tiết quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đại biểu đề nghị bổ sung từ “thẩm quyền" sau cụm từ “Chính phủ quy định chi tiết về..." cho đầy đủ, vì việc quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ liên quan đến nhiều cấp nên việc quy định về thẩm quyền bảo đảm tính phân quyền cụ thể đối với từng cấp quản lý, phù hợp Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các nghị quyết về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Cân nhắc điều chỉnh quy định áp dụng công nghệ số trong vận tải hành khách công cộng

Cho rằng dự thảo Luật Đường bộ lần này đã đề cập đến một số loại hình dịch vụ số trong vận chuyển hành khách công cộng, đại biểu Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) nêu ý kiến làm rõ hơn những nội dung liên quan đến công nghệ số trong vận tải hành khách công cộng.

Về quy định kinh doanh vận tải,theo dự thảo luật, khoản 6 Điều 61 sử dụng hai tiêu chí “điều hành phương tiện, lái xe” và “quyết định giá cước vận tải” để định danh doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Đại biểu cho rằng, quy định này sẽ khiến cho các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng phần mềm kết nối hành khách và tài xế trên thị trường hiện nay, vốn đang thuộc lĩnh vực khởi nghiệp-sáng tạo, start-up, bị định danh là doanh nghiệp vận tải. Từ đó, các doanh này sẽ phải tuân thủ theo các điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp vận tải, là loại hình kinh doanh có điều kiện.

Nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội ảnh 3

Đại biểu Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) phát biểu thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đại biểu Phạm Thúy Chinh phân tích, mô hình kinh doanh của các start-up công nghệ này khác xa so với mô hình của các doanh nghiệp vận tải truyền thống. Họ không sở hữu phương tiện, không có lái xe, không tham gia vào công đoạn vận chuyển hành khách, vốn là bản chất của hoạt động kinh doanh vận tải.

Tài sản duy nhất của họ là chất xám của đội ngũ kỹ sư tin học để thiết lập, vận hành ứng dụng kết nối giữa hành khách và đơn vị trực tiếp cung cấp dịch vụ vận tải. Họ chính là doanh nghiệp phần mềm, thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, hoàn toàn không phải doanh nghiệp vận tải.

Hơn nữa, Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Luật Giao dịch điện tử Quốc hội vừa mới thông qua tháng 6/2023 đã bổ sung định nghĩa về nền nền tảng số trung gian mà chủ quản nền tảng số độc lập với các bên thực hiện giao dịch.

Theo đại biểu, việc quy định một doanh nghiệp cung cấp nền tảng số trung gian thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ gây nên chồng chéo về nghĩa vụ tuân thủ, tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp trong khi mục tiêu quản lý nhà nước chưa chắc đạt được.

Việc gia tăng chi phí kinh doanh cũng sẽ khiến các doanh nghiệp công nghệ cạn kiệt tài nguyên và sức lực để chạy theo việc tuân thủ giống các hoạt động kinh doanh theo mô hình cũ, thay vì đầu tư tiếp vào việc đổi mới sáng tạo.

Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị giữ nguyên định nghĩa về kinh doanh vận tải tại Điều 66, 67 như hiện nay, và sửa lại Điều 88 dự thảo luật về ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô-tô để bao gồm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng gọi xe, phù hợp với bản chất của loại hình này và thực tiễn thị trường.

Về loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, theo khoản 10 Điều 61 dự thảo luật, xe ô-tô con kinh doanh vận tải sẽ đều được gọi là xe taxi, còn quy định tại Khoản 11 Điều 61 dự thảo luật chỉ ô-tô khách mới được kinh doanh vận tải theo hợp đồng, với một bên là đơn vị kinh doanh vận tải, đại biểu Chinh cho là chưa thật sự phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Theo đại biểu, cách hiểu phương tiện kinh doanh vận tải không phải là xe ô-tô khách sẽ khiến cho các đối tượng này phải tuân thủ các yêu cầu đối với phương tiện hoạt động taxi, thí dụ như phải niêm yết giá trong và ngoài phương tiện, có đồng hồ tính tiền, cho phép người đi đường vẫy xe...

Rõ ràng là yêu cầu này không phù hợp với những đối tượng không phải tài xế chuyên nghiệp mà chỉ muốn chạy một vài cuốc xe để nâng cao thu nhập. Sự khập khiễng này sẽ khiến cho số lượng tài xế giảm đi, dẫn tới tình trạng nhu cầu di chuyển của xã hội không được đáp ứng một cách đầy đủ.

Do vậy, đại biểu đề xuất giữ nguyên quy định hiện nay, cho phép xe ô-tô con có thể được hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng: “Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng vận tải”, tại điểm d khoản 1 Điều 66 luật hiện hành.