Khuyến khích đầu tư hạ tầng đường bộ

Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ được coi là huyết mạch của nền kinh tế. Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để xây dựng một hệ thống huyết mạch xứng tầm, làm động lực thúc đẩy nền kinh tế hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.
0:00 / 0:00
0:00

Chỉ tính riêng đường cao tốc, Chính phủ đã đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030 phải hoàn thành xây dựng 5.000 km đường cao tốc. So với 1.700 km đường cao tốc hiện có, đây là cả một nỗ lực lớn!

Nếu chỉ tính riêng cho mục tiêu hoàn thành xây dựng 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030, cần huy động ít nhất 728.000 tỷ đồng (400.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2025 và 328.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2026-2030). Trong điều kiện nguồn lực còn có hạn, cần có những chính sách khuyến khích hơn nữa đầu tư xã hội hóa cho lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông.

Giai đoạn 2011-2016, ngành giao thông vận tải đã huy động được 444.040 tỷ đồng, trong đó huy động nguồn vốn tư nhân theo hình thức BOT là 186.660 tỷ đồng; tổng số vốn được giải ngân đạt khoảng 379.213 tỷ đồng, trong đó giải ngân vốn tư nhân 121.833 tỷ đồng (chiếm 32,13%) và giải ngân vốn nhà nước 257.380 tỷ đồng (chiếm 67,87%).

Như vậy, chỉ riêng với hình thức BOT, nếu chúng ta tận dụng triệt để, mục tiêu 728.000 tỷ đồng không phải là một “rào cản” quá lớn. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, các dự án huy động nguồn vốn xã hội hóa có xu hướng chậm lại. Một số khó khăn khách quan lẫn chủ quan ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc huy động thêm vốn. Để đạt được mục tiêu đề ra, cần có những thay đổi chính sách thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư.

Huy động thêm nhiều vốn, nhưng đồng thời cũng cần sử dụng đồng vốn đó một cách hiệu quả, triệt để. Trong 54 dự án BOT do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang quản lý, có 8 dự án đang gặp những khó khăn, vướng mắc không thể vượt qua. Nói một cách khác, đây là những dự án kém hiệu quả. Bộ GTVT cũng đã nhận một phần trách nhiệm trong khâu chuẩn bị dự án và đang có đề xuất Nhà nước bỏ ra 10.342 tỷ đồng để xử lý dứt điểm (mua lại) các dự án này.

Với tầm quan trọng của việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, rất cần những chính sách khuyến khích thu hút nhiều hơn nữa mọi nguồn lực đầu tư. Có như vậy, chúng ta mới có thể hoàn thành mục tiêu xây dựng 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 để tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.