Nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra tại một số bộ, ngành, địa phương, qua đó phát hiện nhiều vi phạm liên quan đến trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp, trong đó có Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Đây là hai trong số nhiều đơn vị được đánh giá là có số lượng thủ tục hành chính lớn, liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Bộ phận Một cửa tại phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Ảnh minh họa: Bộ phận Một cửa tại phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Kết quả thanh tra cho thấy, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trong công tác cải cách hành chính, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vẫn chậm ban hành kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; chưa thực thi đầy đủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, thực hiện không đúng quyết định của Thủ tướng; ban hành Thông tư số 08/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải chưa thống nhất, đồng bộ giữa các điều khoản, dẫn đến gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính; không thực hiện đầy đủ việc công bố đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền vận chuyển hàng không; công bố không đầy đủ thông tin với thủ tục hành chính cấp/cấp lại giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe loại 1, loại 2 đủ điều kiện hoạt động; nội dung công bố chưa cụ thể.

Bộ GTVT cũng ban hành Thông tư số 01/2021 làm phát sinh thêm yêu cầu đối với thủ tục hành chính mà pháp luật không quy định, vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chỉ tiêu số hóa các năm 2021-2022 tại Bộ GTVT cũng bị đánh giá "chưa đáp ứng lộ trình của Chính phủ", là một trong những nguyên nhân dẫn đến thủ tục hành chính chưa thể thực hiện đồng bộ trên môi trường điện tử, chưa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Còn tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, qua thanh tra cho thấy, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa bố trí đầy đủ số lượng công chức làm công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa. Bộ cũng chưa triển khai dịch vụ công trực tuyến đối với một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường, thực hiện không đúng quy định của Chính phủ; cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến ở mức thấp, người dân và doanh nghiệp còn mất thời gian đi lại, gặp trực tiếp cơ quan nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính và mất thời gian chờ đợi do giải quyết thủ tục hành chính chậm, quá hạn.

Tại các địa phương, mặc dù Luật Đất đai năm 2024 đã có hiệu lực và được đánh giá là sẽ tác động sâu rộng tới mọi mặt xã hội cũng như mọi tầng lớp nhân dân với nhiều quy định mới. Tuy nhiên đến nay, tại nhiều địa phương, tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo thẩm quyền còn rất chậm, như Hải Phòng, Lạng Sơn, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bến Tre, Sóc Trăng (mới ban hành từ 2 đến 5 trong tổng số 20 nội dung được giao trong Luật).

Việc các địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản thuộc thẩm quyền đã hạn chế hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, thủ tục hành chính, hiệu lực hiệu quả trong thực hiện các chính sách mới của Luật Đất đai. Thủ tướng Chính phủ đã phê bình nghiêm khắc Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương nêu trên; đồng thời yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm cũng như có biện pháp đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật theo thẩm quyền.

Cải cách thủ tục hành chính, tăng cường cung cấp dịch vụ công nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp là một nội dung quan trọng trong chiến lược tổng thể cải cách hành chính, luôn được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, những bất cập trong công tác cải cách thủ tục hành chính tại một số bộ, ngành, địa phương thời gian qua cần phải được chấn chỉnh kịp thời, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.