Bà Russell bị ám ảnh bởi những gì đã chứng kiến trong chuyến thị sát Gaza. Theo bà, 1.200 trẻ em được cho là vẫn đang nằm dưới đống đổ nát của các tòa nhà bị đánh bom hoặc chưa được xác định danh tính. “Ngoài bom, tên lửa và tiếng súng, trẻ em ở Gaza còn phải sống trong điều kiện tồi tệ… Một triệu trẻ em - tức tất cả trẻ em trong vùng lãnh thổ này - hiện không được bảo đảm về lương thực và đối mặt một cuộc khủng hoảng dinh dưỡng thảm khốc”.
UNICEF ước tính, tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em tại Gaza có thể tăng gần 30% những tháng tới. Số trẻ em thiệt mạng chiếm 40% tổng số người chết trong cuộc xung đột ở Gaza hiện nay.
Thảm cảnh mà trẻ em Gaza hay ở bất kỳ nơi nào có xung đột trên thế giới đang phải hứng chịu gióng lên hồi chuông cảnh báo về nhiệm vụ bảo vệ quyền cho những công dân nhỏ tuổi, nhất là quyền được sống. Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, được thông qua ngày 20/11/1989, là công ước nhân quyền được công nhận rộng rãi nhất trong lịch sử, bao hàm ba trụ cột chính gồm bảo vệ trẻ em trước mọi loại phân biệt, ưu tiên những lợi ích tốt nhất cho các em và bảo đảm cho các em quyền được sống, phát triển. Hơn 195 quốc gia đã phê chuẩn công ước.
Tuy nhiên, thế giới phải đối mặt nhiều vấn đề như bất bình đẳng đối với trẻ em, đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng bạo lực, xung đột, biến đổi khí hậu. Hàng triệu trẻ em vẫn bị tước đi những quyền cơ bản nhất khi không được chăm sóc y tế phù hợp, dinh dưỡng, giáo dục và bảo vệ trước bạo lực.
Các cuộc khủng hoảng phức tạp do tác động của đại dịch Covid-19, xung đột, biến đổi khí hậu và các cú sốc kinh tế đã làm chậm tiến độ xóa đói nghèo của thế giới, khiến hàng triệu trẻ em sống trong cảnh nghèo cùng cực. Khoảng 17% số trẻ em trên thế giới vẫn sống với mức 2,15 USD/ngày.
Theo tổ chức từ thiện Save the Children có trụ sở tại Anh, các hiện tượng thời tiết cực đoan tại các quốc gia dễ bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu đã đẩy hơn 27 triệu trẻ em vào nạn đói trong năm 2022, tăng 135% so với năm 2021. UNICEF ước tính, khoảng 1 tỷ trẻ em trên thế giới đang đối mặt nguy cơ cực cao chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, làm gia tăng các nguy cơ với trẻ em như tình trạng khan hiếm nước sạch, bệnh tật, ô nhiễm không khí, các hình thái thời tiết cực đoan.
Trẻ em sống trong nghèo đói cùng cực không chỉ bị tước đoạt những nhu cầu cơ bản mà còn cả phẩm giá, cơ hội và hy vọng. Đói nghèo là nguyên nhân chính dẫn tới bạo lực trẻ em, trong đó phải kể đến các tình trạng như lao động trẻ em, buôn bán trẻ em, lạm dụng tình dục và tuyển mộ trẻ em cho các đường dây tội phạm, tham gia các cuộc xung đột, bạo lực cực đoan.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc về bạo lực trẻ em năm 2023, trẻ em ngày càng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của tình trạng bạo lực do các cuộc khủng hoảng đa tầng và chồng chất. Số trẻ em bị lạm dụng sức lao động đã tăng lên 160 triệu; 35% các nạn nhân buôn người được phát hiện là trẻ em. Tác động của tình trạng bạo lực ngày càng nghiêm trọng, trực tiếp và kéo dài, cản trở phát triển trí não, sức khỏe thể chất và tinh thần, khả năng học tập.
Hàng trăm, hàng nghìn nguy cơ đe dọa cuộc sống của trẻ em, trong khi các biện pháp ứng phó không đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đang cản trở các nỗ lực thực hiện mục tiêu của Liên hợp quốc về bảo vệ trẻ em. UNICEF đã lấy chủ đề “Bảo đảm mọi quyền lợi cho mỗi trẻ em” cho Ngày Trẻ em thế giới năm 2023 như một lời nhắc nhở phải nâng cao trách nhiệm đối với trẻ em để các thế hệ tương lai được sống trong một thế giới hòa bình và phát triển bền vững.