Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, quân đội Israel đã yêu cầu cơ quan này dọn sạch vật tư tại một kho hàng viện trợ ở miền nam Gaza để đề phòng nguy cơ các cuộc tấn công trên bộ sẽ ảnh hưởng tới địa điểm này. WHO kêu gọi Israel rút lại yêu cầu này và thực hiện mọi biện pháp có thể để bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm cả bệnh viện và cơ sở nhân đạo.
Phát biểu trước báo giới, Người phát ngôn của quân đội Israel, Jonathan Conricus thừa nhận tình hình hiện nay ở Gaza là khốc liệt, song nhấn mạnh lực lượng này không tìm cách buộc ai phải di dời, hay chuyển đi vĩnh viễn. Quân đội Israel đã yêu cầu dân thường sơ tán khỏi chiến trường và thiết lập một khu vực nhân đạo bên trong Dải Gaza.
Tình hình nhân đạo khẩn cấp
Ngày 4/12, Hãng thông tấn nhà nước Palestine (WAFA) đưa tin, ít nhất 50 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các vụ không kích của Israel vào khu vực Daraj, ngoại ô thành phố Gaza. Các đội cấp cứu đang phải đối mặt khó khăn vô cùng lớn khi tiếp cận khu vực này để đưa các thi thể ra ngoài đống đổ nát và cứu nạn người bị thương do khu vực này liên tục bị nã pháo. Công ty viễn thông Palestine Paltel thông báo các dịch vụ viễn thông ở Dải Gaza sau khi được cung cấp đã tiếp tục bị cắt. Palestine Paltel nêu rõ: “Chúng tôi rất tiếc phải thông báo việc ngừng hoàn toàn các dịch vụ liên lạc và internet với Dải Gaza, vì các đường dây dẫn chính được kết nối lại trước đó lại bị ngắt kết nối”.
Cơ quan Y tế tại Dải Gaza cho biết, kể từ khi nổ ra xung đột Israel-Hamas ngày 7/10 vừa qua, gần 15.900 người Palestine, trong đó có tới 70% là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel. Thống kê của OCHA cho thấy, khoảng 75% dân số ở Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa đến các trại tị nạn đông đúc và không bảo đảm điều kiện vệ sinh. Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, ông Volker Turk nhận định, hiện không có nơi nào an toàn tại Dải Gaza; cảnh báo hàng trăm nghìn người dân tại Gaza đang phải sinh sống trong các khu vực nhỏ hơn ở vùng lãnh thổ phía nam.
Theo WHO, số bệnh viện đang hoạt động ở Dải Gaza giảm từ con số 36 xuống 18 trong vòng chưa đầy 60 ngày, trong đó ba bệnh viện chỉ cung cấp dịch vụ sơ cứu cơ bản và các bệnh viện khác cung cấp một phần dịch vụ, chỉ còn 12 bệnh viện đang hoạt động tại nam Gaza.
Kêu gọi bảo vệ dân thường
Chủ tịch Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) Mirjana Spoljaric cho biết, bà đã tới Gaza, đồng thời nhấn mạnh rằng những đau khổ tại vùng lãnh thổ này của người Palestine là “không thể chịu đựng được”. Bà Mirjana Spoljaric kêu gọi cần khẩn thiết phải bảo vệ dân thường theo luật chiến tranh và không cản trở các nỗ lực cứu trợ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Sebastian Fischer hối thúc Israel bảo đảm an toàn cho người dân tại Dải Gaza trong bối cảnh Tel Aviv đang điều động các lực lượng trên bộ tới phía nam vùng lãnh thổ này. Ông Fischer nhấn mạnh có quá nhiều dân thường thiệt mạng trong cuộc chiến này.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas bác bỏ các kế hoạch của Israel nhằm chia tách, chiếm đóng, cô lập bất kỳ khu vực nào của Dải Gaza, vốn là một phần không thể thiếu của Nhà nước Palestine. Trong cuộc điện đàm với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Tổng thống Abbas nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngay lập tức dừng các hành động gây hấn nhằm vào người dân Palestine tại Dải Gaza, không để dân thường trở thành mục tiêu của các vụ tấn công. Ông cũng hối thúc việc tạo điều kiện cho hàng viện trợ vào Gaza.
Tổng thống Brazil Lula da Silva nhận định, nhiều dân thường vô tội Palestine đang phải trả giá cho cuộc xung đột ở Dải Gaza. Nhà lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ kêu gọi Liên hợp quốc can thiệp và khẳng định rằng giải pháp duy nhất để giải quyết cuộc xung đột là thành lập hai nhà nước.