Phát biểu ý kiến tại buổi ký kết, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là một trong những tổ chức đặc biệt tích cực, đi đầu trong các hoạt động bảo vệ môi trường tại cộng đồng. Các mô hình phụ nữ thu gom phế liệu, “biến rác thành tiền”, “phân loại rác thải tại nhà”, “đổi rác thải nhựa mua bảo hiểm y tế”... đã khẳng định vai trò của phụ nữ trong việc giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Do vậy, chương trình phối hợp trong thời gian tới sẽ tập trung vào việc việc nâng cao nhận thức và hình thành thói quen, nếp sống của các tầng lớp nhân dân trong việc phân loại, tái chế chất thải rắn sinh hoạt, thông qua việc triển khai thường xuyên những nhiệm vụ như: Tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, quy định pháp luật, văn bản về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt, gắn với đó là phát động phong trào; xây dựng các mô hình; lựa chọn các điểm sáng, gương điển hình trong công tác quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt…
Ghi nhận những đánh giá cao từ người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường trong công tác bảo vệ môi trường của các cấp Hội thời gian qua, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cam kết sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động sâu rộng, thiết thực để nâng cao nhận thức, hành vi của phụ nữ và nhân dân trong bảo vệ môi trường nói chung và công tác phân loại, thu gom, tái chế rác thải nói riêng.
Chủ động xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường, phân loại chất thải rắn sinh hoạt; tiếp tục nghiên cứu, đóng góp, đề xuất chính sách phù hợp giúp phụ nữ tham gia hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường; đưa những hành động, việc làm bảo vệ môi trường, trong đó có việc phân loại rác thải tại nguồn trở thành thói quen, thành nếp sống văn hóa của mỗi gia đình và toàn xã hội.
Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động phụ nữ và nhân dân tham gia quản lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2024- 2027, sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, quy định pháp luật, văn bản về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các cấp hội phụ nữ.
Tuyên truyền trên hệ thống truyền thông của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam như: Cổng thông tin điện tử của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Báo Phụ nữ Việt Nam, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Tờ Thông tin Phụ nữ, fanpage của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, fanpage Phụ nữ sống xanh và hệ thống fanpage của các tỉnh/thành hội) và trên hệ thống truyền thông của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, sự kiện phù hợp về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt trong các chiến dịch, sự kiện lớn về môi trường như: Ngày Môi trường thế giới (5/6), Tuần lễ quốc gia Nước sạch- Vệ sinh môi trường (từ ngày 29/4 đến ngày 6/5), Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” (tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm), “Ngày Quốc tế không rác thải ” (ngày 30/3 hàng năm).
Vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân, tổ chức, cơ sở thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng các mô hình về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; lựa chọn nhân rộng một số mô hình, điểm sáng, gương điển hình về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại cơ sở để nhân rộng trên cả nước.
Tổ chức giám sát việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân hội viên, phụ nữ.