Sáng 16/7, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo Phát huy vai trò của tổ chức Hội Phụ nữ trong tuyên truyền, kết nối sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn được xác định là một yêu cầu quan trọng, cấp thiết để gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp và bảo đảm sức khỏe của nhân dân. Các hoạt động kết nối tiêu thụ, phân phối nông sản thông qua hệ thống các chợ, siêu thị, cửa hàng và các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản... được diễn ra thường xuyên, liên tục, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường.
Các nông sản thực phẩm an toàn của Hà Nội được người tiêu dùng thành phố và các tỉnh thành tin tưởng, sử dụng đã thúc đẩy chuỗi cung ứng, kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn ngày càng phát triển.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, nhận thức rõ vai trò quan trọng của phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, những năm qua Hội Liên hiệp thành phố Hà Nội đã chủ động, tích cực tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước, thành phố và kiến thức về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử.
Xây dựng, nâng cao chất lượng và nhân rộng nhiều mô hình sáng tạo của phụ nữ trong sản xuất và tiêu dùng nông sản, thực phẩm an toàn như: "Sản xuất lúa chất lượng cao theo công nghệ sinh học", "Nuôi gà an toàn sinh học"; "Sản xuất rau an toàn", "Điểm phân phối thực phẩm an toàn", "Chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm".
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương phát biểu tại hội thảo. |
Các cấp Hội Phụ nữ thành phố cũng đã tăng cường hoạt động phối hợp giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở, hộ gia đình chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; phát hiện vấn đề và có những kiến nghị kịp thời với ngành chức năng hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, dịch vụ thực hiện tốt quy định bảo đảm thực phẩm an toàn.
"Hoạt động của Hội đã từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho phụ nữ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô", đồng chí Phạm Thị Thanh Hương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn của tổ chức Hội và phụ nữ Thủ đô đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Nhu cầu về thực phẩm an toàn, chất lượng cao đang ngày được người tiêu dùng Thủ đô quan tâm, nhưng việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, kết nối tiêu thụ nông sản để nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm còn thiếu đồng bộ.
Hội viên phụ nữ-những người quyết định tiêu dùng thực phẩm của gia đình cũng còn hạn chế trong việc tiếp cận các sản phẩm nông sản theo chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn.
Tại hội thảo, các cán bộ, hội viên phụ nữ, nữ doanh nhân đã được lắng nghe các đại biểu là chuyên gia, cán bộ có chuyên môn và am hiểu sâu sắc về lĩnh vực an toàn thực phẩm, kết nối kinh doanh tiêu thụ sản phẩm cung cấp, chia sẻ một số quy định về quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm an toàn các giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền bảo đảm chất lượng trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm; kết nối tiêu thụ nông sản an toàn của tổ chức Hội Phụ nữ.