Nâng cao hiệu quả triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư

NDO - Ngày 9/12, tại Đà Nẵng, Bộ Ngoại giao đã phối hợp Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức Hội nghị rà soát tình hình triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM).
0:00 / 0:00
0:00
Trưởng Phái đoàn đại diện Tổ chức Di cư quốc tế phát biểu tại hội nghị.
Trưởng Phái đoàn đại diện Tổ chức Di cư quốc tế phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị nhằm mục đích rà soát tình hình thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trao đổi những vấn đề ưu tiên nhằm nâng cao hiệu quả triển khai Thỏa thuận GCM trong thời gian tới.

Theo Báo cáo năm 2022 về tình hình di cư thế giới của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), có khoảng 281 triệu người di cư quốc tế trong năm 2020, chiếm khoảng 3,6% dân số thế giới. Dự đoán, đến năm 2030, sẽ có khoảng hơn 350 triệu người di cư.

Những con số trên cho thấy biến động nhanh chóng của di cư quốc tế, những đóng góp quan trọng của di cư đối với tăng trưởng, phát triển bền vững của các quốc gia. Đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới, đó là làm thế nào để hạn chế các tác động bất lợi xảy ra bất ngờ đối với di cư quốc tế nhằm bảo đảm di cư hợp pháp, an toàn cũng như tính chắc chắn và dễ dự đoán của di cư, tối đa hóa những mặt tích cực mà di cư đem lại cho các quốc gia cũng như chính bản thân người di cư.

Tại Việt Nam, ngày 20/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai gồm 5 nhiệm vụ trọng tâm và 60 nhiệm vụ cụ thể, dựa trên các nguyên tắc định hướng và tầm nhìn của Thỏa thuận GCM.

Việt Nam cũng đã khẳng định rõ ràng và nhất quán quan điểm là luôn ủng hộ cách tiếp cận mở, bao trùm, công bằng và toàn diện về di cư cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này; cần tăng cường đối tác toàn cầu để huy động nguồn lực, tập trung vào các vấn đề ưu tiên và mới nổi, bảo đảm tính chắc chắn và tính dễ dự đoán của các kênh di cư hợp pháp và an toàn; đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Bà Park Mi-Hyung, Trưởng Phái đoàn đại diện Tổ chức Di cư quốc tế đánh giá cao cam kết, quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai Thỏa thuận GCM thời gian qua cũng như sự tham gia tích cực của Việt Nam tại Hội nghị rà soát Thỏa thuận GCM khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Diễn đàn rà soát di cư quốc tế lần thứ nhất (New York, Mỹ từ 17-20/5/2022) trong nỗ lực đa phương và hợp tác quốc tế về di cư để xác định những thách thức, cơ hội và các vấn đề nổi lên liên quan đến việc triển khai Thỏa thuận GCM, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19.

Bà Park Mi-Hyung cho rằng, an toàn và hạnh phúc của người di cư chỉ có thể được bảo đảm một cách đầy đủ nếu như có sự hợp tác toàn diện, mạnh mẽ và tự nguyện của các bên liên quan. Bà mong muốn Hội nghị sẽ tổng kết những bài học tốt, những cách làm hay, xác định những vấn đề cần củng cố, các lĩnh vực ưu tiên để nâng cao hiệu quả triển khai Thỏa thuận trong năm tiếp theo.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đưa ra những đề xuất nhằm thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM một cách toàn diện, hiệu quả trong thời gian tới như: tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, từ Trung ương tới địa phương, trong công tác quản lý di cư quốc tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về Thỏa thuận GCM, các vấn đề di cư quốc tế, những rủi ro của di cư qua các kênh không chính thức; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác liên quan đến di cư quốc tế;

Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về cư trú, xuất nhập cảnh, cấp phát giấy tờ quốc tịch, hộ tịch, kết hôn, cho nhận con nuôi có yếu nước ngoài, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người nước ngoài vào làm việc ở Việt Nam; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, đường mòn, lối mở; quản lý chặt chẽ và kịp thời phát hiện xử lý các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái phép, nhất là trên các trang mạng xã hội…