Khó giải bài toán di cư

Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp cho biết đang triển khai chiến dịch giải cứu một tàu đánh cá chở 500 người di cư đang lênh đênh trên vùng biển phía tây nam đảo Crete của nước này. Số lượng người di cư bất hợp pháp tới châu Âu đang tăng mạnh, trong khi vẫn còn nhiều bất đồng giữa các nước châu Âu trong việc phân bổ và tái định cư người tị nạn.
0:00 / 0:00
0:00
Dòng người di cư vượt biển vào châu Âu ngày càng tăng. Ảnh: DW
Dòng người di cư vượt biển vào châu Âu ngày càng tăng. Ảnh: DW

Theo báo cáo, do Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp và lực lượng kiểm soát biên giới Frontex của Liên minh châu Âu (EU) tăng cường tuần tra nên những kẻ buôn người ngày càng tìm đến các tuyến đường dài và nguy hiểm hơn ở phía nam đảo Crete của Hy Lạp để đưa người di cư sang châu Âu. Hồi tháng 10, một trong những chiếc thuyền buồm chở 95 người di cư đã bị chìm tại đảo Kythira, phía nam bán đảo Peloponnese (Hy Lạp), làm ít nhất tám người thiệt mạng. Trong khi đó, các hòn đảo của Hy Lạp và Italy là hai điểm đến đầu tiên của người tị nạn, di cư trong hành trình tới EU, đang chứng kiến ngày càng nhiều những người di cư bất hợp pháp từ châu Phi và Trung Đông tìm cách vào “lục địa già”.

Gần đây, chia rẽ trong việc xử trí và quản lý người di cư giữa các nước EU cũng bộc lộ rõ, điển hình là trong vụ việc tàu cứu hộ Ocean Viking bị giới chức Italy từ chối cập cảng hồi giữa tháng 11 vừa qua. Con tàu do tổ chức nhân đạo SOS Méditerranée của Pháp điều hành, có 234 người trên tàu, trong đó có 57 trẻ em. Theo các quy định hiện hành của EU, các đơn xin tị nạn cần được thông qua ở quốc gia nhập cảnh đầu tiên, tuy nhiên Italy đã từ chối tàu này nhập cảnh với lý do bộ phận xử lý người di cư bị quá tải. Giới chức Pháp sau đó chỉ trích mạnh mẽ phản ứng này của Italy. Sau sự cố Ocean Viking, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin cho biết, chín quốc gia châu Âu đã cam kết tiếp nhận hai phần ba số người di cư được giải cứu, số còn lại ở lại Pháp.

Dù vậy giới chức Italy cho rằng số lượng người được Pháp tiếp nhận mới chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Theo AFP, lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp cho biết đã cứu được khoảng 1.500 người trong tám tháng đầu năm nay, so chưa đến 600 người trong cả năm 2021. Các quốc gia cửa ngõ như Italy và Hy Lạp nhiều lần nhấn mạnh họ không đủ điều kiện để hỗ trợ lưu trú đối với tất cả những người di cư, đồng thời liên tục hối thúc các nước thành viên EU khác tăng cường hỗ trợ. Tuy nhiên, những nỗ lực của EU để giải quyết vấn đề tái định cư cho những “mắc kẹt” ở các quốc gia cửa ngõ, cũng như việc cải thiện các chính sách tiếp nhận người di cư đến nay đều không mấy hiệu quả.

Hồi tháng 6, 18 quốc gia EU đã ký một tuyên bố chung khởi động Cơ chế đoàn kết tự nguyện (VSM) nhằm tái định cư những người tị nạn đang dồn ứ ở các cửa khẩu của EU. Tuy nhiên, Áo, Đan Mạch, Ba Lan và Hungary nằm trong số những nước đã từ chối sáng kiến ​​này. Theo Euronews, Tuyên bố chung đưa ra “một kế hoạch hoàn toàn mới” cho phép chuyển những người xin tị nạn từ các quốc gia phía Nam Âu sang các quốc gia khác trong khối. Dù vậy, cơ chế này chỉ áp dụng cho những người di cư qua tuyến đường Địa Trung Hải, ưu tiên những nhóm “dễ bị tổn thương nhất” đồng thời loại trừ một số quốc tịch nhất định, chẳng hạn như Ấn Độ, Morocco hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Hệ thống phân bổ người định cư trên toàn EU được kỳ vọng là một bước tiến quan trọng trong cải cách chính sách di cư. Tổng cộng, các quốc gia đã cam kết tái định cư 8.000 người xin tị nạn trong khoảng thời gian từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2023. Tuy nhiên, theo cập nhật mới nhất giới chức EU, tính đến giữa tháng 11 chỉ có 117 trường hợp được xử lý, chiếm 1,46% trong mục tiêu hằng năm. Do cơ chế này hoàn toàn tự nguyện và không ràng buộc về mặt pháp lý, nên các cơ chế của EU không thể áp đặt các quốc gia tuân thủ cam kết.

Trong khi các nước EU vẫn còn mâu thuẫn trong cách giải quyết đối với người di cư vượt Địa Trung Hải, số liệu cho thấy dòng người đổ về ngày càng tăng nhanh. Hơn 90.000 người di cư và người tị nạn đã đến EU trong năm nay thông qua Địa Trung Hải, tăng 50% so năm 2021. Kể từ cuộc khủng hoảng người di cư bùng nổ năm 2015, đây luôn là một thách thức lớn đối với các quốc gia châu Âu song đến nay vẫn còn là bài toán chưa có lời giải.