Dự án Người di cư mất tích của IOM vừa công bố báo cáo, trong đó đưa ra những con số thống kê đáng báo động về những người di cư trên toàn cầu. Hơn 30.000 trường hợp người di cư được IOM cho là đã thiệt mạng không rõ quốc tịch, đồng nghĩa hàng chục nghìn gia đình trên thế giới vẫn đang tìm kiếm người thân mất tích.
Trong số những người di cư mất tích có thể xác định danh tính, hơn 9.000 đến từ các quốc gia châu Phi, hơn 6.500 người đến từ các nước châu Á và 3.000 người đến từ châu Mỹ.
Hơn 30.000 trường hợp người di cư được IOM cho là đã thiệt mạng không rõ quốc tịch, đồng nghĩa hàng chục nghìn gia đình trên thế giới vẫn đang tìm kiếm người thân mất tích.
Ðáng chú ý, những nước xảy ra tình trạng bạo lực nghiêm trọng trong những năm gần đây, như Afghanistan và Syria, có số người di cư tử nạn cao nhất.
Hơn một nửa trong số những trường hợp người di cư tử vong được IOM ghi nhận là trên các tuyến đường tìm đến châu Âu và cả bên trong Lục địa già.
Riêng các tuyến đường trên Ðịa Trung Hải đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 25.100 người. Châu Phi là khu vực nguy hiểm thứ hai đối với những người di cư, với hơn 9.000 trường hợp tử vong trong hành trình di cư tại Lục địa đen kể từ năm 2014.
Trong khi đó, gần 7.000 người di cư thiệt mạng tại châu Mỹ, mà hầu hết là trên các tuyến đường hướng đến Mỹ. Chỉ riêng biên giới Mỹ-Mexico, hơn 4.000 người di cư thiệt mạng kể từ năm 2014. Tại châu Á, 6.200 trường hợp người di cư xấu số được ghi nhận, trong đó trẻ em chiếm hơn 11% số ca tử vong, tỷ lệ cao nhất so với các khu vực trên thế giới.
Sự thật đáng buồn là dù hàng nghìn trường hợp tử vong được ghi nhận trên các tuyến đường di cư mỗi năm, song dường như có rất ít nỗ lực được thực hiện để giải quyết hậu quả của những thảm kịch này, chứ chưa nói đến việc ngăn chặn chúng.
Các tác giả bản báo cáo của IOM nêu rõ, dù số người thiệt mạng ngày càng tăng, chính phủ ở các quốc gia xuất phát, quá cảnh và điểm đến của những người di cư đã hành động rất ít để giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra.
Các tác giả bản báo cáo của IOM nêu rõ, dù số người thiệt mạng ngày càng tăng, chính phủ ở các quốc gia xuất phát, quá cảnh và điểm đến của những người di cư đã hành động rất ít để giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra.
Vấn đề di cư nóng trở lại thời gian gần đây tại châu Âu, nhất là sau khi nổ ra tranh cãi giữa Pháp và Italia về việc Pháp tiếp nhận tàu Ocean Viking chở 234 người di cư mà trước đó Italia từ chối. Pháp cáo buộc Italia không tôn trọng luật hàng hải khi từ chối một tàu cứu hộ cập cảng.
Tuy nhiên, Italia và Hy Lạp đáp trả rằng, hệ thống xử lý vấn đề người di cư của châu Âu đặt gánh nặng không cân xứng lên hai quốc gia có biên giới biển quan trọng với khu vực Bắc Phi.
Cuối tuần qua, các Bộ trưởng Nội vụ của Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí với kế hoạch hành động gồm 20 điểm mà Ủy ban châu Âu (EC) công bố hôm 21/11, trong đó đề cập mong muốn của EU hợp tác mạnh mẽ hơn với các nước như Libya, Tunisia hoặc Ai Cập để ngăn chặn dòng người di cư, cũng như đẩy mạnh trục xuất những trường hợp vượt biên trái phép. Dù tất cả các bên tham dự đánh giá đây là một cuộc họp mang tính xây dựng, Bộ trưởng Nội vụ Séc, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, vẫn cho biết các đại biểu đều nhất trí "phải làm nhiều hơn nữa" để tìm ra giải pháp lâu dài cho vấn đề người di cư vào châu Âu.
IOM nhấn mạnh rằng, để cứu sống và giảm rủi ro đối với người di cư cần thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế, trong đó quyền được sống phải luôn được tôn trọng. Các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, cải thiện và mở rộng các lộ trình di cư thường xuyên và an toàn cần được ưu tiên. Dù người dân lựa chọn di cư vì bất kể lý do nào, thì cũng không ai đáng phải bỏ mạng trong hành trình tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.