Cộng hòa Séc, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU cho biết, trong cuộc họp sắp tới, Bộ trưởng Nội vụ các quốc gia EU sẽ nỗ lực giải quyết tình hình căng thẳng hiện tại trên mọi tuyến đường di cư. Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas, hội nghị lần này cần tháo gỡ vướng mắc về việc cho phép người di cư từ các tàu do các tổ chức phi chính phủ điều hành lên bờ.
Dù là vấn đề dai dẳng, gây nhức nhối tại EU nhưng trong năm 2022, bài toán di cư đã bị lu mờ bởi hàng loạt thách thức lớn khác như lạm phát tăng vọt, đời sống người dân bấp bênh dẫn đến bất ổn xã hội, tình trạng khan hiếm năng lượng… Vấn đề di cư chỉ nhận được sự chú ý trở lại khi trở thành nguyên nhân châm ngòi cho những tranh cãi gay gắt mới đây giữa các nước thành viên.
Lâu nay, Italia - một trong những điểm đến đầu tiên tại châu Âu trong hành trình của dòng người di cư trái phép từ châu Phi, Trung Đông - luôn phải chịu áp lực nặng nề. Theo Bộ Nội vụ Italia, kể từ đầu năm 2022, hơn 87.000 người đã vượt biên trái phép vào lãnh thổ quốc gia này. Để giảm bớt những áp lực của quốc gia “đứng mũi chịu sào”, Chính phủ Italia thi hành chính sách di cư mạnh tay hơn.
Cụ thể, Italia không cho phép tàu cứu hộ của các tổ chức phi chính phủ vào lãnh hải, chỉ hỗ trợ tiếp nhận người di cư vì mục đích nhân đạo như trẻ em, phụ nữ mang thai… và yêu cầu tàu cứu hộ treo cờ nước nào thì nước đó phải tiếp nhận người di cư. Mới đây, tàu Ocean Viking chở theo khoảng 230 người di cư được giải cứu đã phải cập cảng Toulon của Pháp sau khi bị Italia từ chối tiếp nhận. Pháp phản đối gay gắt quyết định này của Italia và cho rằng, chính sách của Rome dường như đi ngược lại những lời kêu gọi đoàn kết trong vấn đề di cư.
Tình trạng “đồng sàng dị mộng” giữa các nước thành viên khiến vấn đề di cư thêm bế tắc và phản ánh một yêu cầu cấp bách rằng, các nhà lãnh đạo EU cần dành sự quan tâm đúng mức cũng như hành động tích cực hơn để giải quyết bài toán di cư, giữ hòa khí trong khối. Trong 10 tháng đầu năm 2022, có tới 275.500 người đã vượt biên trái phép vào EU, tăng 73% so cùng kỳ năm 2021 và đánh dấu mức cao kỷ lục kể từ năm 2016. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo (A.Cru) nhận định, một cuộc khủng hoảng di cư đang xảy ra ở các nước EU, song vấn đề này ít được chú ý bởi có hai, ba cuộc khủng hoảng khác cũng đang bủa vây khối này.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, có 89,3 triệu người trên thế giới đã phải di tản do bạo lực, xung đột, đói nghèo… vào cuối năm 2021, tăng gấp đôi trong một thập kỷ.
Italia và Hy Lạp liên tục hối thúc các nước châu Âu tăng cường hỗ trợ giải quyết vấn đề di cư. Bộ trưởng Ngoại giao Italia Antonio Tajani thừa nhận, dù Italia và Hy Lạp luôn nêu cao tinh thần đoàn kết với những người di cư có hoàn cảnh khó khăn, song lại không đủ điều kiện để hỗ trợ lưu trú cho tất cả những người này, từ đó kêu gọi EU cải thiện các quy tắc hiện hành về vấn đề di cư. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, có 89,3 triệu người trên thế giới đã phải di tản do bạo lực, xung đột, đói nghèo… vào cuối năm 2021, tăng gấp đôi trong một thập kỷ. Đây chắc chắn là một áp lực không nhỏ đối với châu Âu, miền đất hứa của những người di cư.
Làn sóng di cư bất hợp pháp ồ ạt kéo vào châu Âu hiện nay đang gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ diễn ra bảy năm trước, vẫn những dòng người chấp nhận đặt cược mạng sống để vượt biển, vẫn những bất đồng gay gắt giữa các nước thành viên EU về chia sẻ gánh nặng di cư... Xét trong bối cảnh hiện nay khi châu Âu còn đang xoay vần trước hàng loạt thách thức nổi cộm và cấp bách khác, việc EU triệu tập một cuộc họp khẩn để tập trung giải quyết vấn đề dai dẳng di cư là bước đi đáng hoan nghênh, mở ra cơ hội tháo gỡ những khúc mắc nảy sinh trong nội bộ khối.