Nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp nhà nước

NDO - Ngày 29/9, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả quản trị tại các doanh nghiệp nhà nước”, với sự tham dự của gần 150 đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á...
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Nhiều nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên đến từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện Chiến lược phát triển, Viện Kinh tế Việt Nam… và các trường đại học: Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Quốc gia Hà Nội, Học viện Tài chính...; một số hiệp hội, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp... đã tham dự Hội thảo.

Tại hội thảo, Bộ Tài chính cho biết: Với quan điểm coi kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực, xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phát triển. Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN đã đưa ra quan điểm chỉ đạo “DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”.

Bên cạnh đó, tại Hội nghị toàn quốc với DNNN ngày 24/3/2022 về chủ đề “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế-xã hội”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, DNNN phải đóng vai trò tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và thể hiện vai trò dẫn dắt nền kinh tế, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công nhân viên.

Hiện nay, khu vực DNNN đã đóng góp hơn 29% GDP cả nước, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động (chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp), thể hiện được vai trò chủ đạo trên một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Hoạt động của các DNNN, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty có ảnh hưởng lớn đến phát triển một số ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiệu quả sản xuất-kinh doanh của khối DNNN vẫn chưa đạt như kỳ vọng, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ chế quản trị DNNN chậm được đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế...

Để góp phần vào việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của DNNN, đặc biệt là nâng cao hiệu quả quản trị tại các DNNN, Hội thảo tập trung thảo luận về khung pháp lý hiện hành về quản trị DNNN, cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm hiệu quả quản trị DNNN; các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế về quản trị DNNN; thực trạng quản trị tại các DNNN; những hạn chế, vướng mắc cần sửa đổi, hoàn thiện; các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp đối với DNNN, góp phần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của DNNN.