Nâng cao hiệu quả quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

NDO - Nhằm tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, tham mưu tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 75/QĐ-UBND ngày 16/1/2018, về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn đến năm 2020. Hiện nay, phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn đang triển khai thực hiện và tích hợp vào quy hoạch tỉnh để trình cấp thẩm quyền xem xét thông qua.
0:00 / 0:00
0:00
Việc một số hộ dân tại Đắk Nông lợi dụng cải tạo đất trong canh tác nông nghiệp để khai thác khoáng sản trái phép đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.
Việc một số hộ dân tại Đắk Nông lợi dụng cải tạo đất trong canh tác nông nghiệp để khai thác khoáng sản trái phép đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 2 giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp còn hiệu lực và 42 giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông cấp còn hiệu lực. Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành trong việc quản lý, kiểm soát hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản nên công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ngày càng đi vào nề nếp, cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật về khoáng sản.

Bên cạnh đó, công tác lập và khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng hoàn thiện và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 12/9/2022.

Công tác tiếp nhận hồ sơ hoạt động khoáng sản được tiến hành theo cơ chế một cửa và được thực hiện tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Đắk Nông đã mang lại nhiều thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức đến đăng ký thực hiện thủ tục hành chính. Công tác thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã nộp vào ngân sách nhà nước từ ngày 1/1/2021 lũy kế đến nay là hơn 400 tỷ đồng.

Nâng cao hiệu quả quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ảnh 1

Hiện nay quy định về tận thu đối với đá bazan dạng trụ trong quá trình khai thác khoáng sản và cải tạo đất còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nhân lực và thiếu tính tự giác của người dân và doanh nghiệp trong việc kê khai, phối hợp xử lý.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý bảo vệ khoáng sản chưa khai thác vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, trong quá trình quản lý thực tế tại địa phương có một số tồn tại, vướng mắc liên quan đến quản lý khoáng sản làm vật liệu san lấp như đất san lấp mặt bằng, các công trình; việc thu hồi khoáng sản là đá bazan dạng trụ, cột và một số đá bazan dạng khối có thể làm đá tráng lát trong quá trình khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; nhiều hộ gia đình trong quá trình canh tác đã phát hiện trong diện tích đất nông nghiệp có khoáng sản và có nhu cầu thu gom, khai thác, tiêu thụ…

Hiện, các thủ tục pháp lý liên quan đến các vướng mắc nêu trên còn phức tạp hoặc Luật chưa quy định cụ thể gây nên khó khăn cho người dân trong việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép, tạo ra bất cập cho cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý khoáng sản ở địa phương.

Ngoài ra, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra phức tạp tại một số địa phương. Tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở đất nông nghiệp tại huyện KRông Nô kéo dài nhưng cũng chưa được xử lý dứt điểm. Khai thác đá bazan trái phép trên địa bàn huyện Đắk R’Lấp và Đắk Mil còn diễn biến phức tạp…

Nâng cao hiệu quả quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ảnh 2

Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép mặc dù đã được kiểm soát, nhưng thiếu tính bền vững, do thiếu nguồn nhân lực, hiệu lực xử lý của pháp luật chưa đủ sức răn đe, nên nạn khai thác trái phép còn diễn biến phức tạp.

Trước thực trạng các tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý khoáng sản, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông thông qua Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 27/8/2021 về quản lý, bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, trong đó định hướng chỉ đạo các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động số 24, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác rà soát, báo cáo định kỳ về tình hình khai thác khoáng sản trái phép tại địa phương; đồng thời ban hành văn bản phê bình Chủ tịch Ủy ban nhân dân một số huyện, do các địa phương không lập báo cáo định kỳ về rà soát công tác khai thác khoáng sản trái phép.

Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, đến nay chính quyền địa phương các cấp đã thực sự vào cuộc đồng bộ trong việc triển khai các giải pháp ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Gia Nghĩa đã tổ chức rà soát hằng tuần tình hình khai thác khoáng sản trái phép ở các địa phương. Qua đó, đã kịp thời phát hiện và xử lý các điểm khai thác khoáng sản trái phép.

Qua các đợt cao điểm triển khai nhiệm vụ, trên toàn tỉnh Đắk Nông lũy kế từ năm 2021 đến nay đã phát hiện 56 vụ việc khai thác khoáng sản trái phép, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 2,7 tỷ đồng.

Nâng cao hiệu quả quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ảnh 3

Hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Krông Nô, thuộc huyện Krông Nô gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến tài sản và cây trồng của người dân đã kéo dài nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác còn gặp nhiều khó khăn do nguồn nhân lực, trang thiết bị để tổ chức bảo vệ khoáng sản từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã còn thiếu. Cụ thể, tại mỗi xã chỉ có 1 đến 2 cán bộ phụ trách công tác khoáng sản, nhưng cơ bản là kiêm nhiệm với các nhiệm vụ khác như quản lý đất đai, môi trường, xây dựng…

Trong khi đó, địa hình các khu vực diễn ra khai thác khoáng sản trái phép hầu hết ở vùng sâu, vùng xa, đường đi lại hiểm trở dẫn đến khó khăn trong công tác rà soát, ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép.

Khi cơ quan quản lý nhà nước tổ chức đoàn kiểm tra, thì các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép rút lui, nhưng do không thể bố trí lực lượng thường xuyên theo dõi nên các đối tượng quay lại tái diễn hoạt động khai thác trái phép sau đó.

Nâng cao hiệu quả quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ảnh 4

Hoạt động khai thác vàng trái phép tại huyện Đắk Glong diễn biến phức tạp, kéo dài, nhưng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm vì đang thiếu kinh phí và đơn vị chuyên môn trong việc đánh sập các hầm vàng trái phép.

Mặt khác, để xác định diện tích, tọa độ, độ sâu khu vực khai thác khoáng sản trái phép phải cần các thiết bị đo vẽ chuyên nghiệp, địa hình rất cheo leo, hiểm trở. Trong khi đó, hầu hết các bộ phận chuyên môn quản lý khoáng sản đều chưa được trang bị các thiết bị đo chuyên nghiệp. Đặc biệt, đối với công tác quản lý khai thác trái phép cát trên sông, các phòng ban chức năng chưa được trang bị các thiết bị đi trên sông chuyên dụng để kiểm tra. Do đó, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý.

Đặc biệt, khi các vụ việc khai thác khoáng sản trái phép diễn ra, các tang vật đều có khối lượng lớn, cồng kềnh như đá khai thác trái phép, máy đào, máy xúc… Tuy nhiên, hiện nay hầu như các địa phương lại chưa có khu vực để lưu giữ, hoặc có thiết bị chuyên dụng di dời các tang vật khai thác trái phép về lưu giữ, dẫn đến công tác tổ chức bảo vệ tang vật khai thác trái phép của địa phương gặp nhiều khó khăn.

Nâng cao hiệu quả quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ảnh 5

Hiện nhiều công trình tại Đắk Nông đang phải tạm dừng thi công do vướng các quy định liên quan đến tận thu khoáng sản bô-xít và các quy định khác liên quan đến các mỏ đất làm vật liệu thông thường.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, Đắk Nông sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có giải pháp đơn giản thủ tục hành chính đối với thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường ở quy mô nhỏ, để tạo điều kiện cho các hộ gia đình thuận tiện trong việc đề nghị cấp phép và khai thác đúng quy định luật Khoáng sản.

Tiếp tục nâng cao trách nhiệm, vai trò của chính quyền cấp huyện, cấp xã trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; đặc biệt xử lý nghiêm người đứng đầu chính quyền địa phương trong trường hợp để xảy ra các hoạt động khai thác vận chuyển khoáng sản trái phép mà không xử lý dứt điểm; để diễn ra kéo dài hoặc không kịp thời báo cáo cơ quan cấp trên xử lý trong trường hợp không ngăn chặn được.

Tăng cường sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương để hạn chế việc tiêu thụ khoáng sản trái phép như tăng cường kiểm tra xử lý việc vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản khai thác trái phép.

Đẩy mạnh việc rà soát, xác định tọa độ khép góc, diện tích khu vực khai thác trái phép để đánh giá hiệu quả của chính quyền địa phương ngăn chặn việc tái diễn khai thác trái phép tại các khu vực đã phát hiện.

Tăng cường nguồn kinh phí chi trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cho chính quyền địa phương, đặc biệt là các trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, xử lý, kinh phí để vận chuyển, lưu giữ bảo vệ khoáng sản khai thác trái phép.