Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra ở nhiều nơi làm thất thoát nguồn tài nguyên, ngân sách. Theo đó, người dân, hệ sinh thái đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải và khí thải gây ra. Từ thực tế này, tỉnh cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nâng cao nhận thức người dân, doanh nghiệp nhằm phát huy được nguồn tài nguyên khoáng sản.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn tỉnh hiện có 45 mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác còn hiệu lực; trong đó, tám mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, số còn lại do tỉnh cấp. Nhằm bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản, tỉnh Bình Phước chú trọng ngay từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường của các dự án khai thác, chế biến, trong đó kiên quyết sàng lọc, loại trừ các dự án công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, các mỏ khoáng sản đang khai thác bảo đảm quy định về bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp, nhất là vật liệu xây dựng khó tránh khỏi những tác động đến môi trường như khói bụi, tiếng ồn, mặc dù các đơn vị đã trồng hệ thống cây xanh chung quanh mỏ hoặc các chuyến xe vận chuyển đều được phủ bạt. Tại ấp Núi Gió, xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản là nơi có mỏ đá quy mô khoảng 50ha đang được tỉnh Bình Phước cấp phép cho bốn doanh nghiệp thực hiện khai thác, chế biến; trong đó có Công ty cổ phần xây dựng Bình Phước.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Bình Phước Hoàng Hữu Toán chia sẻ: Do thực hiện việc xay nghiền, vận chuyển khoáng sản nên không tránh khỏi bụi phát tán. Để giảm thiểu, công ty lắp hệ thống tưới bụi khu vực đầu cần-nơi phát tán bụi; đồng thời, tưới nước khu vực đang hoạt động, trồng cây xanh quanh khu vực khai thác…, từ đó, đã hạn chế tối đa lượng bụi phát sinh. Hằng năm, cơ quan chức năng tiến hành giám sát môi trường đo độ ồn, bụi cũng như tiếng nổ mìn định kỳ hai lần/năm… đều đánh giá đạt tiêu chuẩn quy định và trong ngưỡng cho phép.
Cũng theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, mặc dù công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản không ngừng được tăng cường nhưng trên địa bàn còn xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, chủ yếu là đá xây dựng, vật liệu san lấp và sét gạch ngói làm thất thu ngân sách nhà nước. Đối với 35 doanh nghiệp được tỉnh cấp phép hoạt động, trong năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện một số vi phạm.
Sau kiểm tra đã xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản đối với 22 đơn vị với số tiền gần 1,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế con số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản thông thường còn cao hơn rất nhiều, nhất là trong khai thác đất sét, đất san lấp, cát. Nguyên nhân thì nhiều nhưng phần lớn là do lực lượng làm công tác quản lý mỏng, nhiều đối tượng đã lợi dụng những địa bàn xa vắng để khai thác khoáng sản đem bán.
Mới đây, qua mật phục nhiều ngày, lực lượng chức năng xã Thanh An, huyện Hớn Quản đã phát hiện, bắt quả tang đối tượng đang múc đất đổ lên xe tải đưa đi tiêu thụ. Theo lãnh đạo xã Thanh An, các vụ khai thác trộm khoáng sản hầu hết là do người dân phát hiện, báo tin, tố giác. Tương tự, tình trạng “cát tặc” trên sông Đồng Nai đoạn qua các xã Thống Nhất, Đăng Hà (huyện Bù Đăng) vài năm trở lại đây giảm hẳn cũng nhờ người dân tố giác tội phạm. Các hộ dân, Tổ an ninh nhân dân nắm thông tin báo cho chính quyền địa phương cũng như lực lượng chức năng phối hợp giải quyết.
Bình Phước đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng, nhất là giao thông nên cần một khối lượng cát, đá, đất san lấp lớn. Tuy nhiên, lĩnh vực đất sét, đất san lấp, cát chỉ có năm đơn vị được cấp giấy phép khai thác, sản xuất. Trong bốn doanh nghiệp được cấp phép khai thác sét gạch ngói thì Công ty TNHH Hồng Minh, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản đã ngưng hoạt động và trả lại giấy phép; ba doanh nghiệp còn lại đứng chân trên địa bàn huyện Hớn Quản và thị xã Bình Long, Chơn Thành. Đối với vật liệu san lấp, năm 2017 có duy nhất Công ty TNHH Hoàng Lân được tỉnh cấp phép khai thác tại xã Nha Bích (thị xã Chơn Thành) nhưng nay giấy phép đã hết hạn. Lĩnh vực cát xây dựng hiện chỉ có Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Phú Thọ (huyện Hớn Quản) giấy phép khai thác còn hiệu lực.
Do đó, hầu hết nguồn vật liệu phục vụ xây dựng của tỉnh hầu hết phải nhập ngoài tỉnh hoặc nguồn khai thác trái phép. Thực tế này, nhiều địa phương kiến nghị tỉnh Bình Phước sớm đưa vào quy hoạch và cấp phép các mỏ vật liệu xây dựng thông thường để dễ theo dõi và tăng nguồn thu cho tỉnh, bảo đảm môi trường. Mặt khác, tỉnh cần quy hoạch thêm một số mỏ khoáng sản để khai thác phục vụ nhu cầu xây dựng, nhất là các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh kết nối vùng.