Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch ở Hải Hà

Là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh, những năm qua, tận dụng thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng, Hải Hà đã từng bước đưa sản phẩm chè Đường Hoa đến với thị trường trong và ngoài nước. Nhờ không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, thương hiệu chè Đường Hoa đã trở thành một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Quảng Ninh. Huyện Hải Hà tập trung phát triển các vùng trồng chè gắn với du lịch sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân ở địa phương.
Thi hái chè tại Lễ hội Trà Đường Hoa, huyện Hải Hà (Quảng Ninh).
Thi hái chè tại Lễ hội Trà Đường Hoa, huyện Hải Hà (Quảng Ninh).

Hiện nay, huyện Hải Hà có gần 2.000 hộ dân trồng chè với tổng diện tích hơn 800 ha, trong đó có nhiều diện tích chè giống mới có giá trị kinh tế cao. Các giống chè trên địa bàn phát triển tốt và cho năng suất cao, trung bình cho thu hoạch từ 8-10 tấn chè búp tươi/ha/năm. Toàn huyện có gần 40 ha chè có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP và có 3 cơ sở sản xuất chế biến chè quy mô lớn, 8 cơ sở vừa và nhỏ, 7 hộ sản xuất theo quy mô gia đình.

Chị Nguyễn Thị Thủy ở xã Quảng Long là một trong những người trồng chè tập trung đầu tiên trên vùng đất Hải Hà và xác định trồng chè mang lại công việc, thu nhập ổn định, giúp gia đình cải thiện cuộc sống. Chị Thủy cho biết: "Cây chè cho thu hái đến 9 lứa/năm. Mỗi lứa như vậy, mang lại cho gia đình khoảng 20 triệu đồng, trong đó chỉ khoảng 20% là chi phí vật tư chăm sóc, còn lại là lãi. Tính ra thu nhập từ cây chè cao hơn nhiều so với các cây trồng khác".

Cùng với phát triển vùng trồng chè với các giống chè chất lượng cao, Hải Hà còn đẩy mạnh thành lập mới, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh chè; thành lập các chuỗi hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến kinh doanh và nông hộ trong sản xuất, chế biến.

Có thể thấy rõ, việc phát triển trồng cây chè được xác định là kinh tế chủ lực làm giàu cho hàng trăm hộ dân trồng chè. Từ năm 2018, huyện Hải Hà lại có chủ trương chuyển đổi mô hình đồi chè từ việc phát triển cây trồng sản xuất kết hợp với phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ. Huyện đã vận động các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các ngày hội để mở rộng thị trường, cũng như thu hút du khách.

Ngày hội văn hóa chè Đường Hoa là một trong những hoạt động có ý nghĩa không chỉ tôn vinh giá trị cây chè, người trồng chè mà còn có sức lan tỏa sâu rộng việc quảng bá, giới thiệu về vùng chè, sản phẩm chè và nét văn hóa ẩm thực từ chè xanh của huyện đến với đông đảo du khách khi đến với vùng đất này.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hải Hà Bùi Hữu Liêm cho biết: "Thời gian tới, huyện Hải Hà tiếp tục đặt mục tiêu hình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp từ cây chè, kết nối với loại hình du lịch văn hóa bản địa vùng cao biên giới dân tộc thiểu số Quảng Sơn, Quảng Đức và loại hình du lịch biển với đảo Cái Chiên tươi đẹp, mở ra hướng phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng trồng chè trên địa bàn huyện".

Hiện nay, huyện Hải Hà đang tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, tăng cường chất lượng dịch vụ và phối hợp với Trường đại học Hạ Long, Sở Du lịch tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, thành lập nhóm hướng dẫn viên du lịch tại các điểm, khu du lịch trên địa bàn, đồng thời thực hiện chuyển đổi số trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…

Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 152.000 lượt khách du lịch đến Hải Hà, đạt 127% kế hoạch, tăng hơn 50.100 lượt so với năm 2023. Tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt 198 tỷ đồng. Trong chuỗi các sự kiện kích cầu du lịch được huyện tổ chức từ đầu năm đến nay phải kể đến các sự kiện tạo điểm nhấn cho du lịch Hải Hà như: Phục dựng thành công Lễ hội Sóng Mun - lễ hội cầu may của dân tộc Dao Thanh Y - với 9 hoạt động đặc sắc mang đậm nét văn hóa dân tộc Dao vào dịp đầu xuân, thu hút gần 5.000 lượt du khách.

Tuần Văn hóa-Du lịch "Cái Chiên chào hè 2024" với các hoạt động trải nghiệm du lịch biển và tham gia các giải thể thao thu hút hơn 3.000 lượt du khách. Đáng chú ý, Lễ hội Trà Đường Hoa huyện Hải Hà năm 2024 với chuỗi 13 hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực đã thu hút hơn 5.000 lượt du khách đến tham quan trải nghiệm.

Các nhóm sản phẩm du lịch mang đậm nét truyền thống địa phương cũng bước đầu hình thành và thu hút du khách như: Du lịch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao gắn với các sản phẩm OCOP, VietGAP ở xã Quảng Minh, Đường Hoa, Quảng Thành, Quảng Long; Du lịch văn hóa-lễ hội-tâm linh ở thị trấn Quảng Hà, xã Cái Chiên, Quảng Minh, Đường Hoa; Du lịch tham quan các chứng tích chiến tranh: Đồn Cao, Dốc cổng trời, đỉnh Cao Ba Lanh... Năm 2024, huyện đã đăng ký thêm 3 sản phẩm du lịch mới gồm: Chèo kayak, tàu du lịch tham quan, khám phá các đảo xã Cái Chiên; tour xe điện tham quan đảo Cái Chiên và du lịch sinh thái trải nghiệm đồi chè Quảng Long.

Hiện nay, huyện Hải Hà đã được tỉnh Quảng Ninh công nhận 2 tuyến gắn với 3 điểm du lịch, gồm: Tuyến 1 "Đền Trần Hưng Đạo, Chùa Hải Hà-Cửa khẩu Bắc Phong Sinh", tuyến 2 "Đền Trần Hưng Đạo, Chùa Hải Hà-Đảo Cái Chiên". Bước đầu, huyện tập trung định hướng thu hút và xây dựng sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc thù như: Du lịch tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm văn hóa dân tộc Dao tại xã Quảng Đức và Quảng Sơn; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo cao cấp; kết hợp chơi golf, tham quan, nghiên cứu sinh thái tại xã đảo Cái Chiên; du lịch nghỉ dưỡng hồ trên núi, kết hợp vui chơi giải trí cuối tuần; tham quan, trải nghiệm văn hóa cộng đồng tại hồ Trúc Bài Sơn ở xã Quảng Sơn.

Để nâng cao vị thế cây chè, huyện tiếp tục triển khai Dự án tái cơ cấu lại ngành chè huyện Hải Hà giai đoạn 2022-2025. Với mục tiêu xác định chè là một trong những sản phẩm nông sản chủ lực, có nhiều tiềm năng phát triển nên huyện đề ra mục tiêu đưa diện tích chè đến năm 2025 đạt 900 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 8.100 tấn, giá trị sản xuất chè đạt 64,8 tỷ đồng, giá trị sản phẩm hơn 1 ha chè đạt 72 triệu đồng.

Cây chè đã giúp người dân của huyện Hải Hà có việc làm, thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu. Việc gắn các sản phẩm nông nghiệp với du lịch đang được huyện Hải Hà chuyển dịch đúng hướng, không chỉ gìn giữ, phát huy giá trị kinh tế của cây chè mà còn tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của vùng đất biên cương, nơi địa đầu đông bắc của Tổ quốc.