Ngày 26/5, Bệnh viện K phối hợp Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam tổ chức Hội thảo điều dưỡng ung thư toàn quốc lần thứ nhất, với sự tham gia của đông đảo đội ngũ cán bộ y tế làm công tác điều dưỡng tại các bệnh viện, trung tâm ung bướu trong cả nước, cùng chuyên gia quốc tế đến từ Mỹ, Pháp, Hà Lan, Singapore….
Tại Việt Nam, đã có nhiều hội thảo khoa học về ung thư được tổ chức, nhưng đây là hội thảo chuyên sâu đầu tiên về lĩnh vực điều dưỡng ung thư.
Các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cập nhật, cung cấp các kiến thức, các kết quả nghiên cứu, thực hành về nhiều lĩnh vực như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, chăm sóc giảm nhẹ, công tác điều dưỡng, quản lý người bệnh ung thư… từ đó giúp nâng cao chất lượng chăm sóc cho những người mắc căn bệnh này.
GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế cho biết, công tác phòng, chống ung thư hiện nay vẫn là một thách thức lớn đối với nền y học trên thế giới và vai trò của điều dưỡng là vô cùng quan trọng.
Thế nhưng, công tác điều dưỡng ung thư hiện đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều nơi còn quan niệm cho rằng “Nghề điều dưỡng là nghề phục vụ, điều dưỡng chỉ là người làm theo y lệnh của bác sĩ”.
Nguồn nhân lực điều dưỡng thiếu nhiều về số lượng và năng lực chuyên môn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực; công tác chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế còn phụ thuộc nhiều vào người nhà người bệnh.
Điều dưỡng hành nghề chưa phù hợp với văn bằng đào tạo, trong khi đó đào tạo điều dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và hội nhập...
Ngành y tế đang tập trung các giải pháp nhằm đổi mới căn bản và toàn diện về công tác điều dưỡng. Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác điều dưỡng, phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng, thúc đẩy phát triển công nghệ và trang thiết bị phục vụ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh toàn diện trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu chăm sóc thực tiễn và hội nhập điều dưỡng khu vực ASEAN.
Thứ trưởng Y tế cũng đề nghị các bệnh viện tiếp tục quan tâm, đầu tư, ghi nhận và tôn vinh vai trò của người điều dưỡng vì một tương lai tươi sáng của nghề điều dưỡng, cũng như của ngành Y tế nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững, bảo hiểm y tế toàn dân và sức khỏe cho mọi người.
PGS, TS Phạm Văn Bình, Phó giám đốc Bệnh viện K chia sẻ, đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác đâu là nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư, mà mới chỉ xác định được các yếu tố nguy cơ của bệnh.
Người càng nhiều tuổi thì nguy cơ mắc càng cao. Bên cạnh đó là yếu tố môi trường (nước, không khí), thực phẩm, lối sống không lành mạnh (hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, lười vận động…).
PGS, TS Phạm Văn Bình đánh giá, trong việc điều trị hiện nay, chúng ta vẫn còn thiếu sót đó là chưa chăm sóc đến tâm hồn, tâm lý của bệnh nhân.
Khi nhận được kết quả chẩn đoán mắc ung thư, nhiều người bệnh thấy như trời sụp. Họ đi từ cảm xúc này sang cảm xúc khác, chán nản, buồn bã, thậm chí là trầm cảm, không muốn điều trị.
Đã có một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ tự tử trong các bệnh nhân ung thư thay đổi theo giai đoạn bệnh, dao động từ 1 đến 71%. Tỷ lệ này cao hơn so với các quần thể bệnh khác.
Đã có một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ tự tử trong các bệnh nhân ung thư thay đổi theo giai đoạn bệnh, dao động từ 1 đến 71%. Tỷ lệ này cao hơn so với các quần thể bệnh khác.
Người bệnh ung thư phải trải qua các phương pháp điều trị khác nhau, thời gian điều trị lâu dài, đặc biệt cần sự tận tâm, chăm sóc của điều dưỡng.
Hơn nữa, ngoài những tác động về thể chất, người bệnh còn luôn thường trực những lo lắng như lo bị bệnh không ai chăm sóc gia đình, con cái; lo hình ảnh của bản thân bị thay đổi; lo không đủ chi phí điều trị…
Vì thế, người điều dưỡng không chỉ nắm rõ kiến thức chuyên môn mà còn phải hiểu cả những lo lắng này để giúp đỡ bệnh nhân. Việc hỗ trợ về tâm lý này đôi khi mang lại kết quả ngoạn mục.
Người điều dưỡng cần giúp bệnh nhân ung thư hiểu bệnh ung thư họ mắc là gì, có chữa được không, đang ở giai đoạn nào… từ đó mở ra cho bệnh nhân chân trời mới; không phải sụp đổ mà phía trước vẫn là bình minh.