1/WHO ước tính mỗi năm trên thế giới có thêm 20 triệu người mắc ung thư và 10 triệu người không vượt qua căn bệnh này, chiếm khoảng 16% số ca tử vong trên toàn cầu. Giới chuyên gia cảnh báo số ca ung thư mới sẽ tăng lên khoảng 30 triệu ca vào năm 2040.
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trên toàn cầu nhưng có thể phòng ngừa và kiểm soát. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận các phương pháp sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư ở trong và giữa các quốc gia đang có sự khác biệt khá lớn. Ước tính 70% trường hợp tử vong do ung thư xảy ra ở các nước có thu nhập thấp đến trung bình, song những nước này hiện chỉ chiếm khoảng 5% chi tiêu toàn cầu trong lĩnh vực chăm sóc và điều trị ung thư.
Khảo sát của các chuyên gia y tế cho thấy, chất lượng điều trị tốt hơn ở các quốc gia có thu nhập cao góp phần giảm đến 20% số ca tử vong do ung thư tại nhóm các nước này. Trong khi đó, tỷ lệ này đối với nhóm các quốc gia nghèo chỉ ở mức 5%. WHO gọi đây là “khoảng cách nguy hiểm chết người” bởi chính khoảng cách của sự bất bình đẳng này đã khiến hàng triệu người sống ở các nước kém phát triển bị chết vì căn bệnh ung thư vốn có thể điều trị và chữa khỏi được.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc mới bệnh nhân ung thư tăng lên chín bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia) và tỷ lệ tử vong do ung thư tăng sáu bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia) so ghi nhận năm 2018. Ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Tuy nhiên, bệnh ung thư đã có thể chủ động kiểm soát được nếu chúng ta phát hiện và điều trị kịp thời ngay ở thời điểm vàng, giai đoạn đầu của bệnh.
2/Theo GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện K T.Ư, tỷ lệ phát hiện sớm ung thư tại Việt Nam trong thời gian qua đã tăng lên khoảng 50% so trước đây chỉ ở mức 20-25%. Thay vì 70% người dân đến khám và phát hiện ở giai đoạn muộn thì nay việc người dân chủ động quan tâm đến sức khỏe của mình và đi khám tầm soát ung thư để nếu phát hiện bệnh cũng ở giai đoạn sớm, đó là tín hiệu đáng mừng. “Cùng với sự tiến bộ của khoa học trong chẩn đoán, điều trị phối hợp điều trị đa mô thức (xạ trị, hóa trị, phẫu trị và điều trị đích) đã khiến nhiều trường hợp người bệnh có thể tử vong gần, thậm chí nhiều trường hợp tiên lượng chắc chắn tử vong vẫn được cứu sống và trở về với cuộc sống”, GS, TS Trần Văn Thuấn nói.
Tại Bệnh viện K thời gian qua, số lượng người dân chủ động đến khám tầm soát ung thư đã tăng lên, đặc biệt người dân dành nhiều sự quan tâm chủ động tầm soát ung thư đường tiêu hóa như dạ dày, đại trực tràng; ung thư tuyến giáp; chị em quan tâm nhiều đến ung thư vú, cổ tử cung. Điều đó cho thấy bệnh ung thư đã trở thành mối quan tâm và lo lắng của nhiều người, từ đó dần hình thành thói quen kiểm tra sức khỏe để chủ động loại trừ khả năng mắc bệnh.
Theo các chuyên gia, với bệnh ung thư, việc phát hiện càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi càng cao, tiết kiệm nhiều chi phí. Ngược lại, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn thì việc điều trị càng trở nên khó khăn, tốn kém về chi phí. Chẳng hạn, với ung thư cổ tử cung, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm thì bệnh nhân chỉ cần được khoét chóp là khỏi, chi phí điều trị đơn giản, rẻ tiền. Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân vừa phải phẫu thuật vừa phải xạ trị, chi phí tốn kém, điều trị phức tạp hơn.
Khi đó, khả năng sống thêm của bệnh nhân cũng giảm xuống. Khi phát hiện bệnh giai đoạn hai-ba, ước tính tỷ lệ sống thêm sau 5 năm của người bệnh là 60%. Thậm chí nếu muộn hơn, khi ung thư đã di căn rồi, biện pháp cuối cùng là dùng thuốc, không xạ trị, không mổ xẻ được, phối hợp nhiều thuốc thì tỷ lệ sống thêm sau 5 năm dưới 50%.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho rằng, để nâng tỷ lệ phát hiện bệnh sớm, nâng tỷ lệ chữa thành công bệnh ung thư trong thời gian tới thì bảo hiểm y tế cần vào cuộc, có thể chi trả chi phí sàng lọc một số bệnh ung thư thường gặp.
Hiện nay, rất nhiều bệnh ung thư có thể phát hiện ở giai đoạn sớm, ngay cả khi bệnh nhân chưa có dấu hiệu bất thường trên cơ thể. Những đối tượng có nguy cơ cao nên thực hiện tầm soát ung thư theo hướng dẫn chi tiết của bác sĩ. Đối với những đối tượng đã xuất hiện triệu chứng bất thường, thì nên đi kiểm tra sức khỏe từ sớm.