Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định phát triển kinh tế biển bền vững là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để Việt Nam thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Theo Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cả nước có 19 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha. Đến nay, đã có 18 khu kinh tế ven biển được thành lập và đi vào hoạt động.
Sau khi Khu kinh tế Ninh Cơ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã tích cực xây dựng và hoàn thiện Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ.
Thời gian qua, Nam Định đã kêu gọi, thu hút đầu tư tập trung, ưu tiên cho phát triển kinh tế biển và ven biển. Diện mạo của khu vực đã có nhiều thay đổi, kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp, nhiều dự án lớn được triển khai. Việc phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ là rất cần thiết, nhằm khai thác lợi thế tài nguyên ven biển, khơi dậy tiềm năng kinh tế biển của tỉnh.
Điều này cũng tác động mạnh mẽ đến thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, giảm áp lực sử dụng đất nông nghiệp đối với khu vực sâu trong nội địa; vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Nam Định, vừa đóng góp cho sự phát triển chung của khu vực nam đồng bằng sông Hồng; hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng, tạo động lực phát triển vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ nói riêng và phát triển kinh tế biển cả nước nói chung.
Tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ. |
Đến nay, khu vực quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ đã hội tụ đầy đủ các yếu tố, điều kiện về thu hút đầu tư, hạ tầng, cơ hội phát triển kinh tế-xã hội, triển vọng kết nối vùng… để thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ; có kết nối giao thông đường bộ, đường thủy và đường không thuận lợi với các địa bàn trong vùng; có tiềm năng lớn để xây dựng các cảng thủy nội địa tiếp nhận tàu cỡ lớn.
Để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ, tỉnh Nam Định nêu rõ các thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, hạ tầng kết nối, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách, lợi thế dư địa phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư; đồng thời cũng nêu nhiều thách thức khi thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ.
Một yếu tố quan trọng trong việc đề xuất thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ là quỹ đất hiện tại ở khu vực dự kiến thành lập khu kinh tế rộng 13.950ha này phần lớn là đất đai do nhà nước quản lý, thuận tiện trong việc thu hồi để triển khai các dự án.
Theo văn bản được Ủy ban nhân dân Nam Định trình Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu chung của Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ là xây dựng và phát triển khu kinh tế đa ngành, đa chức năng; là trọng điểm phát triển có tính đột phá, dẫn dắt cho kinh tế tỉnh Nam Định.
Đồng thời, nơi đây cũng được tỉnh kỳ vọng là cực phát triển quan trọng của tiểu vùng và trung tâm giao thương quốc tế gắn với các đô thị, công nghiệp, du lịch, thương mại, cảng biển lớn…; có các cơ chế, chính sách minh bạch, thông thoáng, thân thiện với doanh nghiệp, người dân; nơi nghiên cứu, triển khai một số mô hình, dự án sản xuất mới trên địa bàn tỉnh Nam Định và của cả nước.