Theo đồng chí Nguyễn Công Ðính, Trưởng phòng Ðo đạc, Ðăng ký và Kinh tế đất, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Ðịnh, để tạo động lực phát triển theo mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 20, giai đoạn 2021-2025, tỉnh dự kiến bố trí tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản và hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng lớn nhất từ trước đến nay. Cụ thể, Nam Ðịnh sẽ triển khai 642 dự án liên quan an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội và sản xuất, kinh doanh dịch vụ thương mại với 18.700ha đất cần thu hồi, tổng vốn bồi thường, hỗ trợ hơn 40.000 tỷ đồng.
Xuất phát từ địa phương thuần nông, Vụ Bản hôm nay đã có bước chuyển mình mạnh mẽ với tỷ trọng công nghiệp chiếm hơn 50% giá trị sản xuất toàn ngành. Ðồng chí Phạm Ngọc Chi, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Vụ Bản cho biết: Hiện tại, trên địa bàn huyện có một khu công nghiệp và ba cụm công nghiệp với diện tích hơn 200ha; trong đó, khu công nghiệp Bảo Minh được đánh giá hoạt động hiệu quả bậc nhất của tỉnh, cơ bản đã lấp đầy và tạo việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động.
Cuối năm 2021, ngay sau khi được Trung ương và tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng (được triển khai tại hai xã Kim Thái và Liên Minh, có quy mô 44,682ha, tổng vốn đầu tư hơn 320 tỷ đồng), huyện Vụ Bản đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng cho dự án, do đồng chí bí thư huyện ủy làm trưởng ban.
Nhờ nhất quán tinh thần dân chủ, công khai, công bằng, tính đúng, tính đủ các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật, của tỉnh và chi trả kịp thời cho người có đất bị thu hồi, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng được thực hiện khá nhanh. Trong số 351 hộ dân có đất trong vùng dự án, hiện chỉ còn bốn hộ tuy đồng tình nhưng chưa hoàn tất việc giao đất vì lý do liên quan vấn đề thừa kế, phân chia tài sản.
Theo đồng chí Phạm Ngọc Chi, điểm mấu chốt để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng là phải rà soát thật kỹ hồ sơ sử dụng đất từ cấp huyện đến xã, xác định đúng nguồn gốc đất để phân loại từ giai đoạn dồn điền, đổi thửa. "Về cách làm cũng phải rất linh hoạt. Có trường hợp vướng mắc ở một gia đình công giáo, tôi trực tiếp xuống, nhờ linh mục vận động mới thuyết phục được họ bàn giao đất vì mục tiêu chung", đồng chí Phạm Ngọc Chi cho biết.
Giải phóng mặt bằng từ lâu luôn là việc khó, phức tạp với các cấp ủy, chính quyền. Tuy nhiên bằng lực lượng cán bộ giàu trách nhiệm, tâm huyết, huyện Vụ Bản vẫn bảo đảm chuẩn bị quỹ đất "sạch" cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội. Những năm qua, huyện thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng cho hàng loạt dự án với hơn 100ha đất, nhưng không để phát sinh bất kỳ đơn thư khiếu kiện nào.
Hiện nay, Nam Ðịnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện hàng loạt các dự án trọng điểm như: Ðường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc cầu Giẽ-Ninh Bình (giai đoạn 2); tuyến đường bộ ven biển; tuyến đường bộ mới Nam Ðịnh-Lạc Quần-đường bộ ven biển; tổ hợp dự án thép xanh với tổng mức đầu tư gần 100.000 tỷ đồng của tập đoàn Xuân Thiện; Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng; Khu công nghiệp Mỹ Thuận...; trong đó, một số dự án đã đạt hơn 90% tiến độ giải phóng mặt bằng.
Từ năm 2019 đến nay, công tác giải phóng mặt bằng được tỉnh Nam Ðịnh tập trung chỉ đạo quyết liệt. Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 2019-2021, phân tích rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2022-2025. Tháng 2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Nam Ðịnh giai đoạn 2022-2025, do đồng chí bí thư tỉnh ủy làm trưởng ban. Từ khi thành lập, Ban Chỉ đạo phân công thành viên phụ trách địa phương cụ thể, thường xuyên họp, theo sát tiến độ các dự án và kịp thời có những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn.
Bên cạnh việc ban hành, triển khai các cơ chế chính sách liên quan công tác giải phóng mặt bằng như phê duyệt, ban hành giá đất cụ thể phục vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Nam Ðịnh chủ trương huy động sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Tuy vẫn còn những khó khăn lớn nhưng với những giải pháp đồng bộ, tỉnh Nam Ðịnh tin tưởng sẽ bảo đảm tiến độ các công trình trọng điểm, từ đó tạo sức bật phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, tăng nguồn thu ngân sách và thu nhập cho người dân ■