Tổng mức kinh phí hỗ trợ là 2,5 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022. Trong đó, mỗi sản phẩm 3 sao được thưởng 6,4 triệu đồng; mỗi sản phẩm 4 sao được thưởng 8 triệu đồng).
Bên cạnh đó, Nam Định hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP với số tiền gần 12 triệu đồng và hỗ trợ chi phí bao bì, in tem hơn 1,8 tỷ đồng.
Theo danh sách, 65 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh ở Nam Định có sản phẩm OCOP được hỗ trợ năm 2022, 9/10 huyện, thành phố của tỉnh đều có chủ thể được hỗ trợ (tổng cộng có 91 sản phẩm, trong đó có 14 sản phẩm đạt 4 sao, 77 sản phẩm đạt 3 sao).
Các huyện có số lượng chủ thể và mức kinh phí được hỗ trợ cao nhất là Giao Thủy, Trực Ninh và Xuân Trường. Cụ thể, huyện Giao Thủy có 16 chủ thể (29 sản phẩm) được hỗ trợ, tổng kinh phí hơn 797 triệu đồng; huyện Trực Ninh có 16 chủ thể (18 sản phẩm) được hỗ trợ, tổng kinh phí hơn 495 triệu đồng; huyện Xuân Trường có 11 chủ thể (17 sản phẩm) được hỗ trợ, tổng kinh phí hơn 462 triệu đồng.
Riêng huyện Trực Ninh, ngoài được thưởng, hỗ trợ kinh phí bao bì, in tem còn có 2 chủ thể được hỗ trợ chi phí đăng ký nhãn hiệu là hộ kinh doanh Vũ Thị Nhung và Công ty cổ phần nông nghiệp VIAGRI.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định, đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 329 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên (47 sản phẩm 4 sao, 282 sản phẩm 3 sao). Trong đó có 2 sản phẩm là nghêu thịt hộp Lenger (của Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam) và gạo sạch chất lượng cao 888 (của Công ty TNHH Toản Xuân) đang được tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao.