Theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, Nam Định phấn đấu đến năm 2025 có 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và huyện Hải Hậu được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Đồng thuận, chung sức lan tỏa phong trào
Giao Phong là một trong sáu xã ven biển của huyện Giao Thủy, có hơn 6.800 nhân khẩu được phân bố ở 11 xóm; Đảng bộ xã có 380 đảng viên, sinh hoạt tại 16 chi bộ. Người Giao Phong xưa nay cần cù, năng động, giỏi trồng màu và nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản. Năm 2020, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Để tiếp tục duy trì nông thôn mới bền vững, từng bước nâng cao tiêu chí nhằm cải thiện đời sống người dân và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, chi tiết.
Tổng kinh phí đã thực hiện để xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu của Giao Phong là gần 200 tỷ đồng. Trong đó, người dân đóng góp, ủng hộ khoảng sáu tỷ đồng để làm đường, trường, trạm; tự nguyện hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để làm các công trình của xóm, xã; tự nguyện đóng góp 50 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi các mô hình sản xuất; vốn huy động từ con em xa quê khoảng năm tỷ đồng; cùng 3.000 ngày công đóng góp lao động của cộng đồng dân cư...
Trong phong trào sôi nổi của xã Giao Phong, xóm Lâm Phú nổi lên như một điểm sáng trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào đời sống và được công nhận đạt chuẩn xóm nông thôn mới thông minh. Hiện nay, hệ thống camera an ninh đã phủ khắp xóm; nhà văn hóa xóm rộng 500m² được lắp đặt mạng wifi tốc độ cao phục vụ việc học tập, tra cứu thông tin, học hỏi mô hình làm ăn của người dân; tỷ lệ sử dụng mạng wifi của các hộ trên địa bàn đạt tới 80%. Nhiều mặt hàng nông sản của xóm đã được giới thiệu, quảng bá, giao dịch mua bán qua internet, giúp kích cầu tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.
Gắn bó với phong trào xây dựng nông thôn mới từ ngày còn là cán bộ địa chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Giao Phong Phạm Văn Sơn hiểu sâu sắc vai trò quyết định của người dân trong triển khai thực hiện các tiêu chí. Đồng chí cho biết: Mỗi giai đoạn xây dựng nông thôn mới đều cần huy động nguồn lực rất lớn, trong khi nguồn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh chỉ mang tính chất là "vốn mồi".
Nhưng với sự chung tay của người dân và cả con em xa quê, chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, công tác tuyên truyền được đặc biệt chú trọng. Nhất quán phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, người dân làm chủ thể, lấy thôn xóm làm địa bàn chỉ đạo thực hiện nông thôn mới", xã thường xuyên tuyên truyền về công tác xây dựng nông thôn mới trên hệ thống loa truyền thanh, nêu gương điển hình gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên, minh bạch trong mọi khoản đầu tư xây dựng để người dân phấn khởi, yên tâm chung tay xây dựng chính quê hương mình".
Nhờ những nỗ lực không ngừng của cả cấp ủy, chính quyền và người dân, Giao Phong đã trở thành xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Nam Định và vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng ba. Xã đã phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn, nâng cao thu nhập cho nhân dân; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất trồng trọt với quy mô hơn 32ha, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đạt 103 triệu đồng/người/năm.
Hành trình không điểm dừng
Những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Nam Định vẫn đạt nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có 182/204 xã, thị trấn (chiếm 89,2%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; xã Giao Phong, huyện Giao Thủy được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nam Định hiện đã có hơn 570 thôn, xóm (sau sắp xếp, sáp nhập) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 251 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ ba sao trở lên.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hữu, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, điểm tựa lớn nhất trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại địa phương chính là sự vào cuộc sát sao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, chung tay của nhân dân. Trải qua hơn 10 năm, từ những "viên gạch" nông thôn mới đầu tiên, người dân Nam Định đã ý thức sâu sắc vai trò chủ thể của mình đối với phong trào, xác định việc duy trì, nâng cao tiêu chí nông thôn mới là "làm vì mình, làm cho mình".
Là một trong những địa phương tiên phong của cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Nam Định đã chủ động nghiên cứu, ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, bắt tay vào công việc ngay sau khi về đích giai đoạn đầu của phong trào. Hiện nay, bên cạnh việc rà soát, điều chỉnh các nội dung tiêu chí theo bộ tiêu chí của Trung ương đã ban hành, tỉnh đang tập trung kiểm tra, xem xét thẩm định đạt chuẩn kiểu mẫu cho thêm sáu xã gồm Xuân Kiên, Xuân Thượng, Xuân Hòa (huyện Xuân Trường); Giao Tân, Giao Thịnh (huyện Giao Thủy) và Kim Thái (huyện Vụ Bản). Dự kiến đến hết năm 2023, Nam Định sẽ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu cho thêm 15 xã, thị trấn.
Trên khắp các miền quê Nam Định, phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đang từng ngày diễn ra sôi nổi, lan tỏa rộng khắp vào từng ngõ xóm, khu dân cư. Hành trình không có điểm dừng để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở khu vực nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa luôn là nhiệm vụ trọng tâm, được quan tâm chỉ đạo với mọi cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Với những thành tựu to lớn đã đạt được, Nam Định đang vững bước trên con đường xây dựng, nhân rộng những miền quê đáng sống.